TPHCM: Thoái vốn doanh nghiệp đình trệ, ai phải chịu trách nhiệm?
Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM không thể thoái vốn theo lộ trình của Chính phủ đề ra, trong khi những doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối thì dính nhiều tai tiếng, dự án bị đình trệ, sai phạm kéo dài.
Sai phạm nhìn từ “điển hình” Tổng công ty địa ốc Sài Gòn
Hơn 5 năm trôi qua, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn (Resco) vẫn chưa thể cổ phần hóa theo Quyết định 7432 của UBND TP HCM. Trong khi các công ty thành viên, trực thuộc liên tục dính tai tiếng, bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Resco được thành lập theo quyết định số 7363/QĐ-UB ngày 23/12/1997 của UBND TP HCM. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày 31/12/2013, UBND TP HCM ký Quyết định số 7432 phê duyệt đề án tái cơ cấu Resco giai đoạn 2013-2015, theo Quyết định số 929/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề án, Resco thực hiện cổ phần hóa sau năm 2015, nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Trong giai đoạn 2013-2015, Resco sẽ cổ phần hóa 5 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước (nhà nước sẽ giữ dưới 50% vốn điều lệ) gồm: Đầu tư phát triển Thủ Thiêm, Phát triển và kinh doanh nhà, Xây dựng thương mại Sài Gòn 5, Đầu tư địa ốc Gia Định, Địa ốc Bình Thạnh; bán bớt vốn đầu tư tại 10 doanh nghiệp; bán hết vốn đã đầu tư tại 13 doanh nghiệp.
Để thể hiện quyết tâm với lãnh đạo thành phố, vào tháng 3/2014, Resco ký cam kết thực hiện cổ phần hóa đúng thời gian.
Khách hàng tụ tập trước trụ sở công ty Intresco để đòi nhà
Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, 5 công ty TNHH MTV 100% vốn do Resco sở hữu thì 1 công ty cổ phần hóa với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ trên 50%, 3 công ty Nhà nước nắm giữ tỷ lệ dưới 50% và 1 công ty Resco vẫn nắm giữ 100%, chưa đúng theo Quyết định 7432 đã được duyệt.
Một số công ty tỷ lệ sở hữu của Resco trên 50% thuộc diện phải bán bớt vốn nhưng chưa thực hiện như: Công ty cổ phần địa ốc 10 (Resco 10), Công ty cổ phần địa ốc Tân Bình và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh nhà Sài Gòn.
Lộ trình thoái vốn tại Resco không hoàn thành, cho đến nay, chưa có lý do chính thức nào được những người có trách nhiệm đưa ra. Tuy nhiên, việc điều hành doanh nghiệp theo cách thức hành chính, thụ động, thiếu minh bạch đã dẫn đến những hậu quả khó lường khi hàng loạt công ty con vướng vào nhiều sai phạm.
Ở đây cần xem xét nhiệm của Chủ tịch HĐTV Resco Nguyễn Phước Ngọc và Tổng giám đốc Nguyễn Đức Trọng.
"Những đứa con hư" của Resco
Resco 10, doanh nghiệp do Resco nắm giữ trên 51% vốn đang là đứa con tai tiếng với những sai phạm nghiệm trọng khi hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an. Theo Kết luận của Thanh tra TP cho thấy, dự án KDC Bắc Rạch Chiếc có quy mô 82ha (phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM) giao cho Resco 10 làm chủ đầu tư.
Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 282 (ngày 15/3/2001) giao đất cho Công ty để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính. Sau khi hoàn chỉnh hạ tầng phải bàn giao đất để thành phố tiếp tục giao đất cho các nhà đầu tư.
Nhưng trước khi được Thủ tướng Chính phủ giao đất, các cá nhân tại Resco đã có dấu hiệu làm trái quy định của nhà nước khi ký hợp đồng với CTCP Saca và Chi nhánh Vận tải phía Nam - Công ty Vận tải Ô tô 6 giao đất cho đơn vị thực hiện dự án.
Các cá nhân tại Resco 10 cũng có hành vi ký hợp đồng kinh tế với Công ty Phát triển Hàng Hải và Công ty TNHH Thương mại Him Lam được tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp trước khi dự án KDC Bắc Rạch Chiếc được Thủ tướng Chính phủ giao đất cho Resco 10.
Theo Thanh tra Thành phố, việc ký hợp đồng kinh tế với các đơn vị đăng ký tham gia thực hiện dự án có nội dung cho phép “được quyền tổ chức kinh doanh” dẫn đến các đơn vị này cho rằng được quyền phân lô và thực hiện huy động vốn cho các cá nhân, thực chất là bán nền đất.
Resco 10 không công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đóng góp của các đơn vị tham gia thực hiện hạ tầng kỹ thuật trục chính của dự án. Từ đó đã dẫn đến việc hơn 10 năm triển khai nhưng hạ tầng kỹ thuật trục chính ở dự án vẫn chưa hoàn thành.
Tại dự án quy mô này, trong quá trình hợp tác kinh doanh trên diện tích đất hơn 17.100m2, Thanh tra TP xác định có dấu hiệu sai phạm của các cá nhân của Resco 10, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và các đơn vị có liên quan.
Khu Dân cư Bắc Rạch Chiếc gần 20 năm dang dở
Cụ thể, Công ty Resco 10 liên doanh với Công ty TNHH Phát triển DeaDong (Hàn Quốc) hợp tác kinh doanh đối với phần đất trên nhưng thực tế còn 1.243m2 đất Resco 10 chưa bồi thường xong vẫn được Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào tháng 3 và tháng 5.2009.
Thanh tra TP còn đề nghị làm rõ việc sử dụng 3 triệu USD mà Resco 10 nhận từ Công ty DeaDong từ năm 2010 đến nay đã hết thời hạn nhưng dự án chung cư vẫn chưa triển khai. Thủ tục ký kết không đảm bảo về pháp lý, không thể hiện ngày tháng hợp đồng liên doanh, vay vốn.
Với những sai phạm này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo chuyển hồ sơ sang công an, làm rõ sai phạm của cá nhân liên quan tại Resco 10.
Cũng giống như Resco 10, Resco còn có “đứa con hư” khác là Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà - Intresco với nhiều bê bối xảy ra tại dự án dự án khu dân cư 6A (xã Bình Hưng, huyện, Bình Chánh). Nguyên nhân vì gần 15 năm qua, dự án vẫn chưa được triển khai và vẫn nằm trên giấy.
Năm 2003, Intresco huy động vốn của CBCNV với giá trị góp vốn lần 1 là 150 triệu đồng (chỉ tiêu 1 người/nền). Phía Intresco sẽ giao nền trong 36 tháng. Tuy nhiên, do kéo dài nên CBCNV của Intresco đã bán lại cho nhiều người bên ngoài.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, từ năm 2003 - 2005, Công ty Intresco đã thu hơn 71 tỷ đồng từ 239 nền của khách hàng. Tuy nhiên, 25ha đất khu 6A sau đó đã được chuyển cho Công ty Vạn Thịnh Phát, bao gồm hợp đồng góp vốn của 47 khách đã ký trước đó với Intresco. Ngày 31/11/2006, Intresco và Công ty Vạn Thịnh Phát ký hợp đồng chuyển chủ đầu tư đối với 47 khách hàng kể trên.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm. Ảnh VTC.
Trên thực tế cho đến nay, những khách hàng của Intresco dù tiền đã trao nhưng cháo chưa múc, họ vẫn không nhận được đất. Sau 15 năm chờ đợi, vì tin tưởng vào Intresco nên nhiều gia đình tán gia bạn sản, có khách hàng gia đình tan vỡ, có khách hàng đã mất, nhiều khách hàng phải sang nhượng lại vì không có tiền trả lãi cho ngân hàng…
Dù có nhiều sai phạm như vậy, nhưng Phó chủ tịch thường trực UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm vẫn không có động thái dứt khoát, chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại tại các công ty thành viên của Resco.
Theo một số chuyên gia, nếu tiến hành cổ phần hoá sớm, để nhà đầu tư tư nhân tham gia điều hành một cách minh bạch thì hiệu quả hoạt động của “những đứa con hư” sẽ được nâng lên. Với quy trình quản lý chặt chẽ, khoa học, thì những sai phạm như tại dự án KDC Bắc Rạch Chiếc hay dự án khu dân cư 6A khó mà xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu xác định trách nhiệm cá nhân
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, không thể loại trừ một trong những lý do làm cho lộ trình thoái vốn tại TP.HCM bị chậm là bởi các công ty này có quỹ đất lớn, vị trí đẹp, nên việc chậm bán vốn bị nhóm lợi ích chi phối, lấy nhiều lý do khác nhau để không đấu giá bán cổ phần, dần dần tìm cách đưa “sân sau, sân trước” vào thâu tóm các khu đất vàng này.
Về mặt quản lý nhà nước, nhìn vào tiến độ cổ phần hoá bị đình trệ, chậm trễ so với kế hoạch, nhiều người cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm và năng lực của người được giao phụ trách công tác công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm và Trưởng ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp TPHCM Lê Trọng Sang.
Sau 15 năm nhận tiền của khách hàng mua đất, dự án Khu dân cư 6A vẫn chưa giải tỏa xong
Tại buổi chủ trì Hội nghị toàn quốc về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vào ngày 21/11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo tình trạng "sân trước sân sau" vẫn tồn tại và nhấn mạnh hiệu quả, đóng góp của nhiều đơn vị còn chưa tương xứng, một số tập đoàn, tổng công ty nhiều năm liền không khởi công hay đầu tư bất cứ dự án nào, trong khi thị trường đang thay đổi từng ngày.
Những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng Thủ tướng nhấn mạnh việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ và của Thủ tướng chưa được nghiêm.
Đặc biệt, vẫn còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi CPH, thoái vốn. Nhiều lãnh đạo còn có tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH, tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới. Lợi ích nhóm, tham nhũng trong CPH, thoái vốn vẫn còn xảy ra.
Trước tiến độ CPH chậm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra chậm trễ, từ đó có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn
Cổ phần hoá nửa vời Không những chậm trễ CPH, nhiều doanh nghiệp sau khi CPH thành công cũng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì nhiều thủ tục sống còn bị những người có trách nhiệm tại TP.HCM đùn đẩy. Theo đó, sau khi mua cổ phần và hoàn tất việc thanh toán hàng nghìn tỷ đồng và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký công ty cổ phần thì hàng loạt thủ tục pháp lý cần được giải quyết lại bị "om" suốt thời gian dài. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp có quỹ đất, công trình xây dựng, thì lộ trình “rũ áo’ khỏi phần vốn Nhà nước lại càng khó khăn gấp bội. Bởi, một trong những quy định bắt buộc là khi CPH công ty nhà nước thì UBND TP.HCM đều giao Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến thẩm định giá trị, đánh giá lại các khoản chi phí dở dang, hàng hóa tồn kho trước khi công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Nhưng thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hoá hàng chục năm mà vẫn không được thẩm định giá trị, đánh giá lại các khoản chi phí dở dang, hàng tồn kho để những Công ty này điều chỉnh, quyết toán chuyển thể. “Nhà đầu tư hiện nay đang sống trong cảnh “đầu Ngô mình Sở”, bởi giấy Đăng ký kinh doanh thì đã được Sở KHĐT cấp là “công ty cổ phần”, nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn ghi tên là “Công ty TNHH MTV”, sổ đỏ không được chuyển đổi sang tên công ty cổ phần vì lý do doanh nghiệp chưa quyết toán chuyển thể”, một nhà đầu tư chua xót lấy ví dụ. |