TPHCM ra quân dẹp xe dù bến cóc
Các ngành chức năng tại TPHCM đang quyết liệt ra quân, chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm nhằm dẹp vấn nạn “xe dù, bến cóc”.
Hàng loạt xe khách liên tỉnh trả hàng xong, tiếp tục nằm chờ khách tại bến xe không phép ở số 391 Đinh Bộ Lĩnh
Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi cho thấy, các bến xe không phép lớn tại quanh bến xe Miền Đông cũ vẫn hoạt động rất sôi nổi.
Vẫn hoạt động bất chấp quy định
Bến xe Miền Đông mới tại Quận 9, TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2020. Sở GTVT TPHCM cũng đã di dời trước 22 tuyến xe đường dài từ Quảng Trị ra phía Bắc hoạt động ở bến xe mới. Tuy nhiên, vì bến mới ít khách nên sở đã tạo điều kiện cho các tuyến này vẫn được phép lưu đậu và đón trả khách tại bến cũ.
Sau 3 tháng tạo điều kiện, ngày 11/3, Sở GTVT TPHCM đã có thông báo từ ngày 14/3, chấm dứt hoạt động lưu đậu và đón trả khách của 22 tuyến này (từ Quảng Trị ra phía Bắc) tại bến xe Miền Đông cũ để chuyển toàn bộ về bến xe Miền Đông mới. Tuy vậy, mọi thứ đến ngày 22/3 vẫn không có gì thay đổi khi hàng loạt xe khách chạy tuyến đường dài TPHCM - Hải Phòng, TPHCM - Hà Nội, TPHCM - Thái Bình… vẫn đang đậu tại bến cũ để chờ đón khách.
Trong vai hành khách, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với xe H.L chạy tuyến TPHCM - Hà Nội, đang đậu tại bến Miền Đông cũ thì được một phụ nữ tư vấn: “Đi từ TPHCM ra Hà Nội giá vé 800.000 đồng. Xe xuất bến 13 giờ chiều nay. Xe đón ở bến Miền Đông cũ nhé! Đi thì chiều ra, 13 giờ hay 13 giờ 30 phút cũng được!”.
Tương tự, khi liên hệ với nhà xe H.H. đang đậu tại bến, chạy tuyến TPHCM - Thái Bình, chúng tôi được nhà xe tư vấn: “Xe chạy từ thành phố về Thái Bình đi vào lúc 14 giờ chiều mai, tiền xe 850.000 đồng, bao ăn luôn. Ngày nào cũng có xe. Đón ở bến Miền Đông cũ, em vẫn ở bến cũ, đặt vé thì gọi lại cho em”.
Hai bến xe không phép lớn nhất TPHCM (đối diện cổng 1 bến xe Miền Đông) vẫn hoạt động rầm rộ, công khai. Bất chấp việc các ngành chức năng của TP đang ra sức kiểm tra, chấn chỉnh, dẹp vấn nạn “bến cóc, xe dù”.
Trong hai ngày 21 - 22/3, ghi nhận tại 2 bến xe hoạt động sai công năng tại số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM, hoạt động trả khách và hàng tại đây vẫn diễn ra bình thường. Các xe khách đường dài vẫn xuống khách đều, người muốn vào bến nhận hàng gửi phải mua vé vào cổng 5.000 đồng/vé/lượt.
Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, bãi xe tại địa chỉ 391 Đinh Bộ Lĩnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép vào tháng 10/2008. Bãi xe 397 Đinh Bộ Lĩnh do UBND quận Bình Thạnh cấp phép tháng 10/2008. Cả hai bãi xe này đều được cấp giấy phép kinh doanh giữ xe nhưng trên thực tế chủ bãi đã lợi dụng để đón, trả khách như bến xe.
Từ nhiều năm nay, 2 bến xe trá hình này tồn tại làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của bến xe Miền Đông. Không chỉ vậy, lượng xe ra vào đón, trả khách liên tục đã gây rối loạn trật tự giao thông. Tình trạng kẹt xe ở khu vực này, rồi tranh giành khách gây mất trật tự xảy ra thường xuyên, càng khiến dư luận bức xúc.
Không thể xử lý?
Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ Sở GTVT TPHCM cho biết: Hiện nay, trên địa bàn TP có 952 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với 73.589 phương tiện hoạt động đã được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.
Trong đó, 70.896 phương tiện hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, 2.047 phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và 66 phương tiện kinh doanh vận tải hành khách du lịch. Tuy vậy, qua công tác rà soát, kiểm tra cho thấy, hiện nay trên địa bàn TP còn 108 điểm đón, trả khách sai quy định.
Trong năm 2019, Sở GTVT TPHCM đã kiểm tra và thu hồi hơn 130 phù hiệu, nhắc nhở chấn chỉnh đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô và đề nghị sở GTVT các tỉnh, TP lân cận phối hợp xử lý, thu hồi phù hiệu do địa phương quản lý, qua đó đã đình chỉ khai thác 5 tuyến của 4 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định.
“Hiện có một thực tế, nhiều đơn vị kinh doanh loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch thường xuyên tổ chức bán vé, thu tiền hoặc thực hiện việc xác nhận đặt chỗ và đón khách tại văn phòng trụ sở hay tại một số điểm trên hành trình xe chạy, điển hình như: Nhà xe Kim Mạnh Hùng, Võ Cúc Phương, Cường Thủy, Toàn Thắng, Hoa Mai… Một số đơn vị sử dụng cây xăng, bãi xe không phép để tổ chức cho xe khách vào đón, trả khách, trong đó có 2 bến lớn tại số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, quận Bình Thạnh” - ông Hải nói.
Để xử lý dứt điểm việc “bắt cóc, bỏ đĩa” trong xử lý sai phạm tại 2 bến xe không phép trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, ngày 19/3 vừa qua Sở GTVT TPHCM tiếp tục có văn bản gửi UBND quận Bình Thạnh đề nghị kiểm tra, xử lý phương tiện đón, trả khách không đúng quy định tại 2 bến xe nói trên.
Việc vấn nạn “xe dù - bến cóc” dẹp mãi không được, theo một số chuyên gia giao thông nó đến từ lợi ích quá lớn từ hoạt động vận tải hành khách trá hình này mang lại. Chính lợi nhuận lớn đã hình thành những nhóm lợi ích, với nhiều thành phần, đối tượng liên kết chặt chẽ, khiến cho việc quản lý lỏng lẻo, xử lý của cơ quan chức được ví như “ném đá - ao bèo”.
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP cho rằng, cần sự quyết liệt của lãnh đạo các quận, huyện, rồi mới đến các kế hoạch tổng thể của TP.
“Việc xử lý xe dù không khó. Trước tiên TP lập một đoàn liên ngành, kiểm tra liên tục những điểm bất hợp pháp mà vẫn hoạt động. Yêu cầu địa phương xử lý và dẹp ngay. Nếu tiếp tục tồn tại thì địa bàn sở tại phải chịu trách nhiệm. Song song đó là biện pháp mạnh tay khác như thu hồi phù hiệu của xe vi phạm.
Đối với những xe lợi dụng sử dụng cùng lúc 2 phù hiệu là hợp đồng và tuyến cố định, khi bị lập biên bản và xử lý. Sẽ không được cấp 2 phù hiệu cho xe đã vi phạm và chỉ được cấp một phù hiệu cho 1 xe.
Ngoài ra, các bến xe liên tỉnh cần rà soát, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý xe dù, không nên vì doanh thu mà xác nhận cho các xe không lấy khách tại bến lại ghé bến xe đóng dấu hợp thức hóa xe chạy tuyến cố định” - ông Tính nói.