TP.HCM: Chóng mặt với mức học phí mới của các trường đại học
Theo đề án tuyển sinh của các trường ĐH tại TP.HCM, từ năm học 2021 - 2022, hầu hết các trường đều tăng học phí, có trường tăng gấp đôi, gấp ba so với hiện nay.
Hầu hết các trường ĐH đều tăng học phí từ năm học tới, đặc biệt ở khối ngành sức khỏe.
Theo công bố mới nhất của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021 - 2022, trường dự kiến áp dụng mức học phí mới theo hai mức: Nhóm ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt có mức học phí 32 triệu đồng/năm, các ngành còn lại là 28 triệu đồng. So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi.
Về vấn đề này, PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, thực ra trường được phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2019 nhưng không được điều chỉnh tăng học phí. Điều này khiến trường rất khó khăn vì đào tạo nhóm ngành đặc biệt này quá tốn kém. Chi phí đào tạo trung bình cho một sinh viên đã khoảng 32 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện chưa công bố mức học phí mới nhưng từ năm 2020 đã chính thức áp dụng học phí mới theo cơ chế tự chủ với mức tăng gấp 3-4 lần so với những năm học trước.
Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có mức học phí hệ chất lượng cao "khủng" khi thu từ 55 triệu đến gần 90 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin học phí hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm. Chương trình tiên tiến 45 triệu đồng. Năm tiếp theo, học phí ở mỗi hệ đào tạo tăng thêm 5 triệu đồng.
Do tự chủ tài chính nên các trường đều tăng học phí.
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo cho biết, từ khóa tuyển sinh năm 2021, trường xác định một mức học phí mới, dự kiến tăng với tất cả các ngành.
Theo đó, so với học phí hiện tại (khoảng 12 triệu đồng/năm), học phí mới chương trình đào tạo đại trà sẽ tăng cao gấp đôi, lên mức 25 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật ở mức 50 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng/năm. Hai chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ tăng 10% so với hiện nay.
Hai trường thành viên còn lại của ĐH Quốc gia TP.HCM là Trường ĐH Kinh tế - Luật và Trường ĐH Quốc tế với mức học phí dự kiến mới lần lượt là 20,5 triệu (hệ đại trà, tăng gần 10 triệu đồng) và 50 triệu đồng/năm
Trường ĐH Luật TP.HCM áp dụng mức học phí năm học 2020 - 2021 như sau: Lớp đại trà 18 triệu đồng, lớp tiếng Anh pháp lý 36 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành luật và ngành quản trị kinh doanh 45 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành quản trị - luật 49,5 triệu đồng.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có mức học phí năm học 2020-2021 chương trình đại trà bình quân là 20,5 triệu đồng/năm (có thể tăng mỗi năm 10%). Chương trình chất lượng cao bình quân từ 32 - 40 triệu đồng/năm (tùy theo chương trình đào tạo). Chương trình cử nhân tài năng bình quân khoảng 50 triệu đồng/năm...
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, học phí từ 24 triệu đến khoảng 34 triệu đồng/năm tùy ngành và chương trình đào tạo. Học phí chất lượng cao ổn định suốt quá trình học, học phí đại trà tăng tối đa 10% mỗi năm.
Học phí Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM từ 18,5 - 31 triệu đồng/năm tùy ngành và loại hình đào tạo đại trà hoặc chất lượng cao. Trường ĐH Tài chính - Marketing học phí năm học 2020 - 2021 từ 18,5 - 36,3 triệu đồng/năm, riêng chương trình quốc tế 55 triệu đồng.
Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng là một trong những trường có mức học phí cao vượt trội so với nhiều trường khác. Cụ thể, học phí ngành Răng -Hàm- Mặt, Y đa khoa từ 91 triệu - 110 triệu đồng/học kỳ, tùy thuộc vào chương trình đào tạo, ngành Dược học 27,5 triệu - 42,5 triệu đồng/học kỳ, tùy chương trình đào tạo; các ngành học khác có học phí từ 25 triệu - 42,5 triệu đồng/học kỳ.
Tại trường ĐH Lạc Hồng, học phí chương trình đại trà bình quân là 13,5 - 14 triệu đồng/1 học kỳ. Riêng khối ngành Dược sĩ, học phí là 19,5 triệu đồng/1 học kỳ.
Học phí tại Trường ĐH Văn Lang năm học này dao động từ 40 - 54 triệu đồng/năm tùy ngành. Riêng ngành răng hàm mặt có học phí dự kiến từ 160 - 180 triệu đồng/năm.
Ông Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng ĐH Văn Lang cho biết, hàng năm các ngành đào tạo sẽ cung cấp thêm các khóa đào tạo kỹ năng, trang bị thêm trang thiết bị, bổ sung các dịch vụ tiện ích... nhằm bảo đảm giá trị tăng thêm cho sinh viên. Do đó, mức học phí của những năm sau có thể thay đổi nhưng sẽ tăng không quá 8% mức học phí tiêu chuẩn.
Từ thực tế trên có thể thấy, những năm gần đây học phí của nhiều trường tự chủ có mức học phí khá cao. Cũng có nhiều ý kiến lo ngại học phí của các trường quá cao sẽ gây khó khăn cho người học song Bộ GDĐT khẳng định, lộ trình tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo.