Tổng thống Mỹ được đưa xuống hầm ngầm khi người biểu tình vây kín Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được sơ tán xuống hầm ngầm của Nhà Trắng trong một khoảng thời gian ngắn khi đám đông người biểu tình vây kín tòa nhà này.
Cảnh sát chống bạo động đứng gác trước Nhà Trắng ngày thứ Bảy 30/5. Nguồn: AP
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, tối 29/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Trump đã được sơ tán xuống hầm ngầm của Nhà Trắng trong một khoảng thời gian ngắn khi đám đông người biểu tình vây kín tòa nhà.
Tổng thống Trump đã ở đó dưới hầm ngầm một giờ trước khi được đưa trở lại mặt đất. Không rõ liệu đệ nhất phu nhân Melania Trump và con trai Barron Trump có được đưa xuống hầm ngầm cùng ông Trump hay không.
Tổng thống Trump đã ca ngợi Cơ quan Mật vụ vì đã xử lý các cuộc biểu tình bên ngoài Nhà Trắng vào tối thứ Sáu sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd vào tuần trước tại thành phố Minneapolis.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 31/6, lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được tăng cường tại nhiều thành phố lớn tại Mỹ nhằm đảm bảo an ninh trật tự sau khi làn sóng biểu tình lan rộng trên khắp nước Mỹ đã kéo dài sau đêm thứ 5 liên tiếp nhằm phản đối vụ cảnh sát da trắng gây ra cái chết của 1 người đàn ông da màu ở Minneapolis hồi tuần trước.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington DC và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến.
Người biểu tình tuần hành tại Washington D.C., Mỹ ngày 29/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. Ảnh: THX
Phát biểu tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida hôm 30/5, Tổng thống Trump cảnh cáo người biểu tình trên khắp cả nước và bày tỏ sự ủng hộ đối với "đa số nhân viên cảnh sát".
"Tôi mạnh mẽ phản đối bất cứ ai lợi dụng thảm kịch này để cướp bóc, hành dung và đe dọa. Chữa lành vết thương, không hận thù, đem lại công lý, không hỗn loạn là nhiệm vụ cần làm. Chúng ta phải bảo vệ quyền của mọi công dân, đó là được sống mà không phải chịu bạo lực, định kiến hay sợ hãi" – ông nói.
Cho đến nay đã có hơn 20 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra.
Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông tại các thành phố. Trong một số trường hợp, nhiều người qua đường và một số nhà báo, thành viên tổ chức truyền thông cũng đã bị tấn công.
Căng thẳng về vấn đề phân biệt chủng tộc đã bùng phát những ngày qua ở Mỹ sau vụ công dân da màu George Floyd, 46 tuổi, thiệt mạng trong lúc bị 4 cảnh sát bắt giữ. Hiện viên cảnh sát da trắng gây ra cái chết của Floyd đã bị cáo buộc tội danh giết người cấp độ 3 trong khi những người còn lại bị sa thải, nhưng không bị buộc tội.