Tiêm filler mặt để trẻ hơn, cô gái gặp biến chứng phải nhập viện

01-09-2023 07:43:06

Tiêm filler mặt để trẻ hơn là nhu cầu làm đẹp phổ biến hiện nay của nhiều cô gái. Tuy nhiên, với những dịch vụ không đảm bảo có thể gây ra nhiều biến chứng đáng tiếc.

Tiêm filler mặt gặp biến chứng phải nhập viện để phẫu thuật

Báo Tuổi trẻ thông tin, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân gặp biến chứng nhiễm trùng, có ổ áp xe sau khi tiêm filler trẻ hóa khuôn mặt.

"Bệnh nhân bị nhiễm trùng Klebsiella. Các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch ổ áp xe, khâu đóng vết thương. Tuy nhiên, bệnh nhân bị ảnh hưởng tâm lý, có thể sẽ để lại di chứng cả về thể chất lẫn tinh thần", bác sĩ Lưu Phương Lan - Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay.

Theo các chuyên gia, nhiễm trùng vi khuẩn Klebsiella trên da có thể gây viêm mô tế bào, viêm cơ, hoại tử với một số biểu hiện như sốt, sưng đỏ, đau đớn tại vết thương. Ở một số ít trường hợp, vi khuẩn Klebsiella cũng có thể tấn công vào não gây ra chứng viêm màng não hoặc viêm màng bao phủ não, viêm tủy sống...

Tình trạng biến chứng nặng nề vì tiêm filler liên tục xảy ra trong thời gian qua. Vào đầu năm 2023,  báo Dân trí cũng chia sẻ thông tin từ bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, nơi đây cũng đã tiến hành phẫu thuật điều trị cho một bệnh nhân bị biến chứng thẩm mỹ nặng ở vùng mặt.

Chị Y.N. (35 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM), đến bệnh viện cầu cứu trong tình trạng hai bên má biến dạng nặng nề.

Kể với bác sĩ, chị N. cho biết, cách đây khoảng 2 năm có đến một spa nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) để làm đầy vùng má và được nhân viên tại đây tiêm filler hai bên mặt, giá 16 triệu đồng. Đến thời điểm cận Tết 2023, vùng má người phụ nữ bắt đầu biến chứng, sưng nề, khiến bệnh nhân chịu nhiều đau đớn.

Đáng chú ý, khi người phụ nữ quay lại spa trên để đặt vấn đề xử lý biến chứng thì phát hiện nơi này đã đổi tên, "lột xác" thành một spa khác.

Tại bệnh viện, qua kiểm tra và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng, áp xe má phải. Bệnh nhân được phẫu thuật tháo mủ, hút bỏ được khoảng 100ml filler và dịch máu. Quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện filler tiêm vào mặt bệnh nhân có tính chất rất giống silicone lỏng (chất đã bị cấm sử dụng trong thẩm mỹ), dịch đặc trắng trong và rất dính, khó lấy ra.

Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân được cho xuất viện. Theo bác sĩ điều trị, người phụ nữ có thể được tạo hình lại vùng má để giải quyết vấn đề thẩm mỹ, nhưng không thể phục hồi được khuôn mặt như trước đây.

Nhung Nguyễn (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //