Thực hư thông tin Nga "bắt tay" Triều Tiên làm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

19-08-2017 11:20:05

Ukraine cáo buộc Nga chuyển giao động cơ tên lửa cho Triều Tiên. Nga ngay lập tức có động thái đáp trả.

Giám đốc cơ quan Vũ trụ quốc gia Ukraine Yuri Radchenko cho rằng động cơ RD-250 mà Triều Tiên đang sử dụng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được một nhà máy của nước này sản xuất và bán sang Nga trước năm 2001, theo AFP.

Theo ông Radchenko, loại động cơ này được Nga lắp đặt cho các tên lửa đẩy Cyclone-2 và Cyclone-3 nhằm phục vụ chương trình vũ trụ của Moscow.

"Nga hiện vẫn còn 7-20 tên lửa Cyclone-2 và Cyclone-3 và có thể làm bất cứ điều gì với động cơ hay bản thiết kế của chúng. Họ có động cơ RD-250 cùng các tài liệu hướng dẫn. Họ có thể cung cấp động cơ hoặc tên lửa hoàn chỉnh cho bất cứ ai họ muốn", quan chức vũ trụ Ukraine nhấn mạnh.

Ukraine cáo buộc Nga chuyển giao động cơ tên lửa cho Triều Tiên còn Nga phủ nhận. Ảnh minh họa: KCNA

Ngay lập tức, Nga đã có phản hồi đáp trả. "Roscosmos và các công ty con không hợp tác với Triều Tiên, tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của luật pháp Nga và các quy định về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, trong đó có Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa, cũng như các yêu cầu và biện pháp hạn chế do các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt”, Roscosmos cho biết trong một thông cáo báo chí.

Hôm 14/8, báo New York Times dẫn bài nghiên cứu của Michael Elleman thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, và thông tin mật do các cơ quan đặc biệt của Mỹ thu thập được, cho rằng, sự thành công của Triều Tiên trong các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể một phần là nhờ vào việc mua ở “chợ đen” các động cơ tên lửa Ukraine.

Sau đó Kiev cáo buộc Matxcơva có thể đã đứng đằng sau các nguồn cung cấp động cơ tên lửa Ucraine cho Bình Nhưỡng.

Tên lửa Triều Tiên mang sức mạnh đáng gờm. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Các quan chức tình báo Mỹ ngày 15/8 cho biết CHDCND Triều Tiên có thể đạt khả năng tự sản xuất động cơ tên lửa mà không cần phải dựa vào nguồn hàng nhập khẩu.

Đánh giá này mâu thuẫn với một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London cho rằng những động cơ tên lửa hạt nhân mà Triều Tiên đang phát triển nhằm tấn công Mỹ có thể là các động cơ từng được sản xuất tại các nhà máy ở Ukraine hoặc Nga và đã được Triều Tiên mua lại qua các mạng lưới chợ đen.

Các quan chức Mỹ không tiết lộ thêm chi tiết về những lý do khiến họ không đồng tình với đánh giá liên quan tới các động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng, được gọi là RD-250, trong báo cáo mà IISS công bố. 

Một quan chức tình báo khác của Mỹ nói rằng việc cải tiến đáng kể động cơ RD-250, giúp đem lại những thành công lớn gần đây, có thể một phần nhờ vào sự đóng góp của các nhà khoa học nước ngoài do Triều Tiên tuyển dụng hoặc được phát triển bởi chính các chuyên gia Triều Tiên từng có thời gian tu nghiệp tại Nga hoặc nước khác.

Mỹ vs Triều Tiên: Đến hồi ‘so tài’ cao thấp?. Nguồn: VTC1

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //