Thủ đoạn của 4 phụ nữ chuyên lừa tiền người cao tuổi

19-03-2024 11:19:45

Bốn đối tượng đã dùng thủ đoạn tìm những người cao tuổi, người dân tộc thiểu số "dụ dỗ" làm nghề bán hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền và tài sản.

Các đối tượng chuyên lừa tiền người cao tuổi. Ảnh: dantri.com.vn

Ngày 18/3, Công an tỉnh Hà Giang cho biết Công an huyện Bắc Quang đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Cao Thị Bích Liên (SN 1981), Nguyễn Thị Nghị (SN 1972), Nguyễn Thị Quyên (SN 1974) và Phan Thị Thanh Huyền (SN 1990), cùng quê Phú Thọ, để làm rõ hành vi Chiếm đoạt tài sản.

Báo Dân trí thông tin, trước đó vào lúc 10h30 ngày 16/3, bà Hạng Thị D. (79 tuổi, ở huyện Bắc Quang) đang bán hàng tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, thì bị nhóm 4 người trên đến hỏi mua hàng, sau đó lừa lấy 9 triệu đồng.

Đến 18h cùng ngày (16/3), Công an huyện Bắc Quang đã bắt giữ được 4 đối tượng, thu giữ 2 xe máy, tiền và vật chứng liên quan.

Qua xác minh, cảnh sát xác định 4 đối tượng trên đã có tiền án, tiền sự về các hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trộm cắp tài sản, Đánh bạc…

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã cùng nhau tới tỉnh Hà Giang, tìm những người cao tuổi, người dân tộc thiểu số bán hàng, hỏi mua hàng hóa có giá trị thấp sau đó thanh toán bằng tiền có mệnh giá cao để người bán hàng phải trả lại số tiền thừa.

Khi người bán hàng lấy tiền trong túi ra trả, các đối tượng sẽ làm người bị hại phân tâm, mất cảnh giác, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong thời gian qua, có rất nhiều đối tượng đã dùng những chiêu lừa đảo nhắm vào người lớn tuổi. Một trong số đó là chiêu lừa đảo bằng ảnh chụp chuyển khoản ngân hàng được đăng tải trên báo Lao động.

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng tạp hóa đều triển khai hình thức quét mã QR chuyển tiền để tiện lợi cho khách hàng khi thanh toán. Lợi dụng điều này, kẻ gian thường nhắm đến các cửa hàng có người già buôn bán để lừa đảo.

Bà Trần Thị Tuyết (66 tuổi) ngụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bị lừa mất số tiền 685.000 đồng khi vô tình tin lời kẻ gian. Theo bà Tuyết, sáng ngày 12/6/2023, có hai nam thanh niên đeo khẩu trang đến mua hàng và đề nghị thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Sau khoảng 5 phút, hai thanh niên thông báo đã chuyển khoản xong, đưa ảnh chụp màn hình cho bà Tuyết xem. Dù chưa nhận được tiền nhưng đang đông khách đồng thời cũng đã nhiều lần gặp trường hợp tiền về chậm nên bà Tuyết đã tin tưởng để kẻ gian rời đi.

Hai ngày sau, thấy tiền vẫn chưa về tài khoản, bà Tuyết mới nhờ con cái kiểm tra hộ. Khi con bà ra ngân hàng xác minh thì được thông báo không có giao dịch nào chuyển vào số tài khoản của bà Tuyết với số tiền 685.000 đồng.

Đồng thời, bằng kinh nghiệm chuyên môn, nhân viên ngân hàng khẳng định ảnh chụp màn hình này đã được chỉnh sửa, không phải thông báo của ngân hàng. Lúc này, hai mẹ con bà Tuyết mới biết bản thân đã bị lừa.

Ngọc Châu (Tổng hợp)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //