Thời tiết Tết Tân Sửu thế nào?

09-02-2021 09:35:25

Năm 2020, chúng ta đón Tết Canh Tý trong tiết trời bất thường với mưa đá, dông, sét đúng vào đêm 30 và sáng mùng 1 âm lịch. Vậy thời tiết những ngày tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 thế nào đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Dự báo, từ ngày 29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng thời tiết cả nước ngày nắng ráo.

Nắng ấm trên diện rộng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 7 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 từ ngày 10-16/2, tức từ ngày 29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng, thời tiết cả nước ngày nắng ráo. Bắc Bộ trời rét về đêm và sáng, Trung Bộ và Tây Nguyên đêm và sáng trời lạnh. Nam Bộ đêm có mưa rào cục bộ.

Cụ thể, từ ngày 10-16/2, Bắc Bộ đêm không mưa, sáng có sương mù và sương mù nhẹ, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C, riêng khu Tây Bắc 26-29 độ C; nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C, riêng vùng núi cao 10-13 độ C, có nơi dưới 13 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế ít mưa, sáng có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ cao nhất từ 24-27 độ C, nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận ít mưa, ngày trời nắng. Phía Bắc đêm và sáng sớm trời rét. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 25-28 độ C, phía Nam 28-31 độ C; nhiệt độ thấp nhất phía Bắc 14-17 độ C, phía Nam 20-23 độ C.

Khu vực Tây Nguyên ngày 10/2 đêm có mưa rào cục bộ, ngày nắng. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C; nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C, riêng từ đêm 11-16/2 từ 13-16 độ C.

Các tỉnh Nam Bộ đêm có mưa rào cục bộ, ngày nắng. Nhiệt độ cao nhất 30-34 độ C; nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C.

Tại Bắc Bộ, từ đêm 8/2 đến ngày 9/2, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 5000m nên có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 40-100mm/đợt, riêng vùng núi phía Bắc có nơi trên 120mm/đợt.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-50mm/đợt, có nơi trên 60mm/đợt. Trong cơn dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 13-16 độ C, vùng núi Bắc Bộ từ 10-13 độ C.

Còn tại Hà Nội, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 13-16 độ C.

Những ngày qua, nhiều tỉnh thành miền Bắc và tại Hà Nội thời tiết khô ráo và nắng ấm. Vì vậy, sự thay đổi khi chuyển gió mùa và rét đậm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi nhiệt độ xuống thấp, người già và trẻ em có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp... nên cần phải hết sức lưu ý, mặc ấm, không ra khỏi nhà và nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng.

Xâm nhập mặn bắt đầu tấn công

Một hình thái thời tiết cực đoan được rất nhiều người quan tâm đó là khô hạn và xâm nhập mặn. Dự báo xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020 và tập trung trong tháng 2 và 3.

Theo ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia: Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 9-15/2, trùng vào thời kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu và thời kỳ từ 26/2-2/3). Trong tháng 3 (từ 12-16/3, từ 25-29/3). Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 9-14/4, từ 24-28/4), sau giảm dần.

Dự báo phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) sâu nhất mùa khô năm 2021 tại các cửa sông Cửu Long khoảng 50-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 85-95km; sông Cái lớn từ 45-52km.

Thực tế thì tính đến ngày 1/2, một số tỉnh ở ĐBSCL như Tiền Giang, Long An… đã phải công bố tình huống khẩn cấp thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ 1.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, việc hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước về ĐBSCL và mặn lên cao đúng dịp Tết Tân Sửu. Các địa phương cần chủ động biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ, như vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt nhằm phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong dài hạn của mùa khô.

Cũng theo dự báo, năm 2021, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên vào khoảng thời gian từ tháng 3-4/2021, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước quan trắc thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.

Theo dự báo thời tiết 3 tháng đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng trong các tháng mùa hè tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện muộn hơn bình thường và không gay gắt như năm 2020.

Việt Hà
Theo Đại Đoàn Kết //