Thịt chuột khô, đặc sản dâng tổ tiên vào ngày Tết của người Dao Tiền
Những người Dao Tiền ở bản Bương (Tân Pheo, Đà Bắc, Hòa Bình) hàng năm thường cúng tổ tiên và một ngôi miêu bằng thịt chuột.
Người dân treo thịt chuột trên gác bếp
Cúng bằng thịt chuột là câu chuyện có thật ở 52 hộ người Dao Tiền thuộc xã Tân Pheo, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. 3 ngày Tết, người dân làm cỗ cúng ở ngôi miếu của bản bắt buộc phải có thịt chuột khô mới thiêng. Trên bàn thờ 3 ngày Tết cũng phải có thịt chuột khô mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên.
Ngày Tết, bát hương của gia đình người Dao nhà nào cũng có ba tờ tranh, ba cây vầu, ba cây nứa, bánh trôi nặn hình rắn, hươu, khỉ, gấu để cúng. Con cháu cúng cho tổ tiên quần áo, lợn gà, rượu gạo và không thể thiếu thịt chuột khô để cho người chết no đủ, phù hộ mình cả năm làm ăn thuận lợi, sức khỏe nhiều nhiều. Ma họ nào họ nấy cúng, ma nhà nào nhà nấy cúng.
Những con chuột này sẽ được cúng ban thờ tổ tiên và ngoài ngôi miếu ngàyTết
Mùng 2 Tết, mỗi hộ trong bản cúng hai con chuột khô (chuột làm sạch, sấy trên gác bếp), một cái bánh chưng, một chai rượu, một mảnh giấy cầu đầu năm làm nương được mùa, làm tiền được tiền, nuôi vịt nuôi gà đừng cho diều hâu bắt, chăn trâu, chăn bò không bị lăn dốc, rắn rết độc cắn, dịch bệnh không lây lan, người người khỏe mạnh, làng xóm yên ổn.
Chia sẻ với PV về tập tục này, anh Lê Văn Tấn (SN 1983, thôn Bương, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, Hòa Bình) cho biết, người Dao Tiền có phong tục tập quán từ ngày xưa rồi, ngày Tết, ngày Lễ là tất cả các hộ có trách nhiệm góp tiền thờ cúng miếu làng. Thường thì mùng 2 Tết cúng thịt chuột, Rằm tháng 5 và rằm tháng 9 cũng thịt gà, thịt lợn.
3 ngày Tết trên ban thờ gia tiên bắt buộc phải có thịt chuột
"Mùng 2 Tết, mỗi gia đình đóng góp 2-3 con chuột khô cho nhà ông Mo, sau đó trần qua cho nóng rồi ông Mo cùng người dân mang ra miếu làng cúng. Sau khi ông Mo cúng xong, mọi người lại mang toàn bộ đồ lễ cúng về nhà ông Mo ăn uống", anh Tấn kể.
Theo anh Tấn, để có thịt chuột đem cúng, người dân phải bắt chuột từ tháng 9 đến tháng 12. Khi bắt được chuột thì về làm lông, thui, mổ rồi treo con chuột lên gác bếp và để tự khô đến khi lễ tết lôi ra làm lễ. Ngày xưa thì mọi người tự bắt là nhiều nhưng hiện nay, có nhà không đi bắt được nên mua lại của người bắt được nhiều, để ở nhà đợi khi có lễ sẽ lôi ra dùng.
Ngày 30 Tết, người dân để chuột trên ban thờ, gọi ông bà tổ tiên về hưởng lộc. Có nhà để hết mùng 2, có nhà để hết mùng 4. Còn đến người dân trong thôn ai cũng phải có 2-3 con để góp lễ vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch để ông Mo cúng miếu làng.
Anh Tấn bảo, ý nghĩa của việc cúng chuột mang tính chất cầu mùa màng, năm mới làm ăn phát đạt. Chuột giống như lễ vật cúng chứ không phải là cúng thần chuột. Đối với người Dao, một năm chỉ thờ đêm 30 Tết, ngoài ra không thắp thương cả năm.
Ngôi miếu thờ chuột ở bản Bương
Ông Lê Văn Thìn (ở xóm Bương) cho hay, các cụ dặn phải cúng chuột vào ngày mùng 2 Tết ở miếu làng. Quy định mỗi nhà 2-3 con nên các nhà không có không được nên bắt buộc ai cũng phải có chuột để góp cho thầy Mo cúng.
"Ngày Tết, chúng tôi làm một mâm cúng vào lúc 18h tối 30 Tết ở giữa nhà gồm 1 con gà, chai rượu, 6 cái bánh chưng, 1 bát hương, 1 bát nước lã. Đến 20h đêm 30 Tết, thì lấy chuột bỏ vào lá đặt lên ban thờ (không bỏ vào đĩa), bát hương, bát nước lã, 4 chén để không, lúc cúng thì rót rượu, với chai rượu, đĩa hoa quả, mứt hoặc bánh kẹo, bánh chưng", ông Thìn kể lại.
Đúng thời khắc giao thừa năm cũ sang năm mới, người chủ gia đình (thường là đàn ông) sẽ cúng những người đã khuất và các ma làng, mời tất cả về cùng thưởng thức món thịt chuột trong những ngày Tết. Theo những người dân ở đây không có loài thịt gì có thể thay thế được thịt chuột để cúng trong đêm giao thừa. Các ma làng và những người đã khuất chỉ chấp nhận loại đặc sản “truyền thống” này của dân mình.