Thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn: Tổ hợp xét tuyển đại học sẽ ra sao?

05-12-2024 11:13:28

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi so với trước đây. Với số môn thi giảm chỉ còn 4 môn, các trường sẽ phải tính toán và điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với những thay đổi này.

Xây dựng tổ hợp bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn

Năm 2025, Bộ GDĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là: Ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Với phương án này, từ năm 2025, các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giảm đi 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) sẽ không còn. Đây cũng là lần đầu tiên Tin học và Công nghệ được đưa vào môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT.

Với số môn và cách chọn như trên, có tới 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Song song đó, Bộ cũng đã công bố và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Trong đó, dự thảo có nêu nội dung sửa đổi về vấn đề tổ hợp môn xét tuyển. Theo đó, với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm: điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.

Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Như vậy, các trường đại học xây dựng tổ hợp môn xét tuyển gồm ít nhất 3 môn, trong đó Ngữ văn hoặc Toán là bắt buộc và các môn còn lại cần phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của ngành đào tạo.

Thay đổi tổ hợp môn xét tuyển

Với số môn và cách chọn môn như trên, năm 2025 sẽ có tới 36 cách chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Do đó, các trường đại học sẽ phải tính toán và điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tới thời điểm này, một số trường đại học đã công bố dự kiến điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2025.

Điểm mới đáng chú ý trong phương án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) là trường sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển áp dụng cho tất cả các ngành/chuyên ngành, tất cả các phương thức xét tuyển, gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn, Toán - Tiếng Anh - Vật lý, Toán - Tiếng Anh - Tin học, Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Như vậy, trong 2 tổ hợp mới, trường sử dụng 2 môn mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là môn Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng vừa công bố các thay đổi quan trọng trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025. Trong đó, nhà trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024.

Trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp như loại bỏ các tổ hợp có bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Năm 2025, Đại học Bách Khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng; Xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến chỉ tiêu tăng nhẹ); Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%).

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các tổ hợp xét tuyển của trường giữ ổn định, không thay đổi so với năm 2024. Bởi theo ông Điền, các tổ hợp môn xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm những môn truyền thống, cốt lõi, bảo đảm chất lượng đầu vào tốt và phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của các ngành đào tạo.

Nguyễn Hoài
Theo Đại Đoàn Kết //