Thất Tịch là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Thất Tịch 7/7 âm lịch

02-08-2022 16:52:18

Lễ Thất Tịch vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm, là một lễ hội cổ truyền gắn với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ. Cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này nhé!

I. Ngày Thất Tịch là ngày gì? Lễ Thất tịch năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày nào dương lịch?

Ngày Thất Tịch là ngày 7 tháng 7 âm lịch, gắn liền với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Đây được coi là ngày lễ tình yêu hay đôi khi còn được người phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á. 

Lễ Thất Tịch gắn liền với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ, kể về chuyện tình cảm động giữa nàng tiên dệt vải Chức Nữ với một chàng trai chăn trâu nghèo Ngưu Lang.

Năm nay 2022, ngày lễ Thất tịch sẽ diễn ra vào thứ Năm ngày 4/8 Dương lịch. Tuy không phải là một ngày lễ lớn trong văn hóa của người Việt Nam nhưng nhiều năm trở lại đây thì ngày lễ ngày thường được các bạn trẻ quan tâm và chú ý đến.

II. Nguồn gốc ngày Thất Tịch

Lễ Thất Tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất phát từ câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ. Tương truyền, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ, thiện lương đã dành được tình cảm của nàng tiên dệt vải Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.

Hai người đã kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.

Một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế rồi Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi.

Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Vương Mẫu vì cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang đã đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất Tịch (ngày 7 tháng 7 âm lịch) được gặp nhau một lần.

III. Ý nghĩa ngày Thất Tịch

Ở Trung Quốc, lễ Thất Tịch là một trong những ngày lễ khá quan trọng ở đất nước này. Lễ Thất Tịch theo người Trung Quốc còn có tên gọi khác như Lễ hội Trùng Thất, Khất xảo tiết, ngày Thất thư đản, ngày Xảo tịch.

Mỗi năm, đến ngày lễ Thất Tịch các cô gái Trung Hoa chưa chồng đều cầu nguyện cho mình có được đôi tay khéo léo, đảm đang mọi việc nữ công gia chánh và quan trọng nhất chính là biết dệt vải, thêu thùa may vá. Nhưng cũng có một số người lại cầu cho mình sau này được có được một người chồng, tình yêu của họ đẹp và chung thuỷ một mực như câu chuyện của Ngưu Lang và Chức Nữ.

Ngoài cầu Chức Nữ để có được tình duyên, sự khéo léo thì vào ngày Thất Tịch người Trung Quốc còn có các phong tục như: Thả cây kim vào chén nước vì người xưa cho rằng kim thể hiện cho sự thông minh, nên vào ngày này các cô gái sẽ dùng cây kim thả vào chén nước với mong muốn kim không bị chìm, và ai thả vào nước mà kim được nổi đồng nghĩa với ước muốn có được trí thông minh.

Ở Nhật Bản, Ngày Thất Tịch chỉ là kỷ niệm ngày gặp gỡ giữa Orihime (Chức Cơ) tức là sao Chức Nữ và Hikoboshi (Ngạn Tinh) tức sao Ngưu Lang và còn được gọi là lễ Tanabata.

Vào ngày này, người Nhật ngoài việc được đền thờ cầu tình duyên thì họ còn thường trang trí cho cành trúc trước nhà và viết những ước muốn của mình vào những mảnh giấy sau đó dán lên cành trúc và ước cho mình có được đôi tay khéo léo, mùa màng thì được bội thu.

Sau khi lễ hội kết thúc, những cây tre treo những mảnh giấy điều ước này sẽ được gỡ xuống, đưa lên thuyền thả trôi trên sông hoặc đem đi đốt.

Tại Hàn Quốc, vào ngày lễ Thất Tịch thì các hoạt động cũng như ý nghĩa của ngày lễ có phần khác so với các nước khác. Ngày Thất Tịch với người Hàn còn gọi là lễ Chilseok ý nghĩa mong muốn có được sức khỏe tốt, mùa màng phát triển mạnh vì lễ Chilseok được diễn ra vào mùa mưa là thời điểm chấm dứt của thời tiết khắc nghiệt nắng nóng.

Vào ngày Chilseok người Hàn thường tắm mưa để cầu sức khoẻ và mưa xuống thì cây trái được tươi tốt hơn thế nên các loại rau củ như bí ngô, dưa chuột,... được sử dụng khá nhiều.

Người Hàn Quốc ngoài việc tắm dưới mưa thì họ còn ăn mì và bánh nướng và các món ăn làm từ lúa mì vì thời điểm này thì chất lượng của lúa mì rất thơm ngon. Nếu không thì qua thời gian của lễ Chilseok thì ở Hàn Quốc sẽ là những cơn gió lạnh chính vì thế hương vị của lúa mì sẽ bị cơn gió này làm hỏng.

Còn tại Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch hay còn gọi là ngày "ông Ngâu bà Ngâu". Các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt. Ở Hà Nội, vào ngày này, giới trẻ thường đổ về Chùa Hà để cầu duyên, cầu tình.

Vào ngày này trời thường mưa, người ta gọi là mưa ngâu, mưa là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Dân gian có câu: "Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền". Nếu trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng.

Ngoài ra, giới trẻ cũng thường truyền miệng nhau rằng ăn chè đậu đỏ để hi vọng tình yêu đôi lứa thêm bền vững hay người độc thân tìm được tình duyên cho bản thân.

Lý Mộ Tư Thư ( T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //