Thanh niên 25 năm sống trong khốn khổ vì không có hậu môn

14-10-2020 11:27:01

Không có hậu môn, nam thanh niên phải đi tiểu qua đường niệu đạo nên mỗi khi đi vệ sinh phải mất 3 – 4 tiếng đồng hồ.

Các bác sĩ phẫu thuật tạp hình hậu môn cho nam thanh niên phải đi tiểu qua niệu đạo suốt 25 năm. Ảnh: PN Online

Ngày 14/10, PLO dẫn nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ cho biết nơi đây vừa phẫu thuật tạo hình hậu môn thành công cho nam thanh niên phải đi tiểu qua niệu đạo suốt 25 năm qua.

Bệnh nhân là anh D.T.A. (25 tuổi, nhà ở huyện Thốt Nốt, Cần Thơ). Khai thác bệnh sử được biết, gay từ khi sinh ra bệnh nhân đã không có hậu môn. Sau khi sinh được 3 ngày, bệnh nhân được phẫu thuật tuy nhiên không thành công. Suốt 25 năm qua phải đi tiểu qua niệu đạo, điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của anh A.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh A. phải bươn chải kiếm sống, anh đi xin làm thuê cho ông chủ đóng ghe sắt gần nhà. "Khổ nỗi, do phân đi ra đường niệu đạo nên mỗi khi đi cầu phải mất 3 – 4 tiếng đồng hồ. Ông chủ đóng ghe nghĩ con trai làm biếng, lấy cớ đi vệ sinh để tránh việc. Làm được một thời gian, A. bị ông chủ đuổi việc", mẹ của anh A. chia sẻ.

Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ từ cuối tháng 7/2020 trong tình trạng phải đi cầu qua đường niệu đạo rất khó khăn, tầng sinh môn rỉ dịch. Tại bệnh viện, kết quả chụp đại - trực tràng cản quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng – tầng sinh môn và nội soi niệu đạo – bàng quang cho thấy bệnh nhân bị bất sản hậu môn - trực tràng kèm rò trực tràng - niệu đạo tiền liệt tuyến.

Sau 2 lần phẫu thuật bệnh nhân đã ăn cơm được, hậu môn hoạt động tốt. Ảnh: PLO

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tái tạo hậu môn. Ca phẫu thuật có sự hỗ trợ của các bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Ê-kíp bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi di động đại tràng Sigma, phần cao trực tràng, đóng đường rò trực tràng – niệu đạo bằng dụng cụ cắt nối tự động. Cuối cùng, bác sĩ đưa mõm trực tràng xuống tạo hình hậu môn cho bệnh nhân và làm hậu môn nhân tạo.

Sau khi hậu môn được tạo hình đã lành và cơ vòng hậu môn co bóp tốt, bệnh nhân được phẫu thuật lần 2 để đóng hậu môn nhân tạo. Hậu phẫu ngày thứ 5 bệnh nhân bắt đầu ăn uống và đi cầu được, cơ vòng hậu môn hoạt động tốt, bệnh nhân đi cầu gần như người bình thường.

Sau 2 lần phẫu thuật, hậu môn tạo hình cho bệnh nhân hoạt động tốt. Sức khỏe của bệnh nhân hiện đã ổn, ăn cơm được, hậu môn hoạt động tốt và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Trao đổi với báo PN Online, bác sĩ La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết, dị dạng hậu môn trực tràng là bệnh ít gặp, cứ khoảng 4.000 – 5.000 trẻ sinh ra sống thì có một trường hợp bị dị tật này.

Bệnh nhân bị dị dạng hậu môn – trực tràng thường được chẩn đoán và điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa nhi. Trường hợp người lớn mắc bệnh thường hiếm gặp. Dị dạng hậu môn – trực tràng có nhiều loại, trong đó bất sản hậu môn – trực tràng là thể khó điều trị

Theo bác sĩ Phú, khi được phẫu thuật tạo hình chăm sóc cho hậu môn không bị nhiễm trùng, nong hậu môn cho đủ rộng và đặc biệt tập cho cơ vòng co bóp trở lại là rất quan trọng. Bởi lẽ nếu sau khi được tạo hình mà cơ vòng hậu môn co thắt yếu, bệnh nhân sẽ đi cầu không tự chủ, lúc đó xem như cuộc phẫu thuật không thành công. 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //