Thanh Hóa: Thi học sinh giỏi cấp tỉnh bằng hình thức trắc nghiệm ở nhiều môn
Sở GD&ĐT Thanh Hóa vừa tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cho khối THPT với hình thức trắc nghiệm ở nhiều môn. Trong đó, có cả môn Lịch sử, Giáo dục công dân...
Ảnh minh họa.
Chiều 30/12, PGS.TS Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, Sở vừa tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022 cho khối THPT với 10 môn thi, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân.
Trong số các môn thi nêu trên, có tới 8 môn được chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm hoàn toàn. Riêng môn Ngữ văn vẫn thi tự luận, còn môn Tin học kết hợp thực hành trên máy tính.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, đây là lần đầu tiên và là một bước đổi mới của tỉnh trong công tác tổ chức thi học sinh giỏi. Khi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022 bằng hình thức trắc nghiệm ở nhiều môn, Sở đã cho xây dựng ma trận, cấu trúc đề để xin ý kiến góp ý từ cơ sở.
Trước băn khoăn việc những môn như Lịch sử khi thi theo hình thức trắc nghiệm thì liệu có phát huy được năng lực phân tích sự kiện,... hay chỉ nặng học thuộc? Giám đốc Trần Văn Thức cho biết, đề thi được thiết kế để cho học sinh phải có kỹ năng phân tích, đối chiếu.
Theo khảo sát tại một số trường THPT cho thấy, học sinh được thi theo hình thức trắc nghiệm, thì các em hào hứng hơn hình thức tự luận. Bởi, tâm lý học sinh, nhiều em cũng muốn thi theo hình thức trắc nghiệm, để coi đó là cơ sở nền tảng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được tốt hơn.
Đặc biệt, với hình thức thi trắc nghiệm, thì sự can thiệp của người chấm vào kết quả bài thi sẽ khó hơn, học sinh thi về có thể tự chấm được điểm của mình.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến của giáo viên THPT cho rằng, đổi mới hình thức thi học sinh giỏi từ tự luận sang trắc nghiệm, thực sự có những hạn chế của nó.
Đó là, nếu học sinh thi theo hình thức tự luận, thì các em sẽ được tôi luyện hơn về kỹ năng làm bài, kỹ năng viết, kỹ năng trình bày... hơn là hình thức trắc nghiệm.
Bởi lẽ, thi theo hình thức trắc nghiệm, các em sẽ mất đi những khả năng như đã nêu trên. Đặc biệt, việc thi theo hình thức trắc nghiệm cũng thể hiện sự may mắn trong việc làm bài thi.
“Có những câu hỏi trong đề thi rất khó, nhiều học sinh giỏi không làm được, nhưng một học sinh có học lực trung bình cứ đánh dấu “mò” đi, và điều may mắn có thể xảy ra đó là đáp án đúng”, một giáo viên chia sẻ.
Cũng theo quan điểm của giáo viên nêu trên, đối với học sinh giỏi thực sự, thì các em không quan tâm lắm đến vấn đề thi tự luận hay trắc nghiệm, vì hình thức gì các em cũng làm được.
Còn về hình thức thi trắc nghiệm, thì học sinh bình thường cũng thích, vì nếu không làm bài được, các em ấy cũng có thể đánh dấu đáp án, chứ không thể nộp giấy trắng như bài thi tự luận.
Được biết, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tổ chức chấm thi xong và sẽ công bố kết quả trong vài ngày tới. Thời gian chấm bài thi trắc nghiệm cũng được rút ngắn rất nhiều. “Qua kỳ thi này, Sở sẽ khảo sát, để ghi nhận sự đánh giá từ các nhà trường, học sinh, phụ huynh... và kết quả kỳ thi. Nếu thực sự khả quan, thì sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn cho những kỳ thi sau”, PGS.TS Trần Văn Thức thông tin thêm