Tết đến lại canh cánh nỗi lo ngộ độc rượu

14-02-2018 19:30:30

Trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm số bệnh nhân ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu tăng cao.

Nỗi lo về rượu "giả"pha cồn công nghiệp methanol


Bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện cấp cứu tại Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai

Tại Hội thảo “Tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018” do Bộ Y tế tổ chức cuối tháng 1/2018, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định rượu methanol chính là rượu giả, tức là dùng cồn công nghiệp để pha thành rượu. 

Cồn công nghiệp có tên gọi hóa học là Methanol, được các nhà hàng thường dùng nấu đồ nướng hay lẩu, tuy nhiên một số người lại dùng để pha thành rượu.

Theo báo cáo của Cục Cục An toàn thực phẩm, 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Đặc biệt năm 2017 ghi nhận số ca ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.

Thống kê nhiều năm qua cho thấy, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2-4, trùng với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Trong 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm những tháng này hàng năm đều tăng vọt 40-50% so với các tháng còn lại.

Chỉ trong tháng 1/2018, đã có 12 ca ngộ độc do dùng rượu có methanol và 4 ca đã tử vong. Hầu như năm nào các bệnh viện cũng tiếp nhận những ca ngộ độc Methanol.

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rượu pha cồn công nghiệp khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất độc gây tổn thương đến tất cả cơ quan cơ thể, đặc biệt là là não và mắt. Phải mất tới 12 giờ hoặc thậm chí 1 - 2 ngày sau uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê.. khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Chia sẻ với PV, BS Nguyên cho biết, năm nào các cơ quan quản lý, các bệnh viên, các đơn vị báo chí cũng nói, cũng tuyên truyền rất nhiều về tác hại của rượu methanol nhưng các ca ngộ độc rượu vẫn không ngừng tăng, thậm chí năm sau cao hơn năm trước và thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc thường là trước và sau Tết Nguyên đán.

Không chỉ rượu giả, rượu "xịn" cũng gây ngộ độc và nhiều bệnh nguy hiểm khác


Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai​

Những ngày gần đây, số ca nhập viện do rượu tiếp tục tăng đặc biệt là tại Trung tâm Chống độc và Khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai.

Mỗi ngày có hàng chục người  phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến rượu. Có người uống tới nửa lít một bữa, thậm chí là 2 - 3 lít rượu một ngày.

Điều đáng nói là gần 10 bệnh nhân đang nằm tại Trung tâm chống độc đều sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ nhưng do uống quá nhiều và trong thời gian dài nên ảnh hưởng đến suy tụy và ảnh hưởng đến gan.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, việc lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn,” uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm.

BS cũng chia sẻ, thời điểm gần Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia vẫn tăng cao, trong số chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, viêm gan, xơ gan, men gan tăng, viêm tụy...

Bác sỹ Nguyên nhấn mạnh, Tết đến nhiều người uống rượu cho vui, để tăng không khí gặp gõ, họp mặt nhưng nhiều người quá sa đà, lạm dụng rượu bia dù biết là có hại mà vẫn tặc lưỡi bỏ qua. Chúng ta hãy nên nhớ rượu là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe, có liên quan đến 200 loại bệnh.

Việc sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Đặc biệt nguy hiểm khi người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu.

K Ly
Theo Đời sống Plus/GĐVN //