Tát liên tiếp vào mặt học sinh, một giáo viên dạy trẻ đặc biệt ở Ninh Bình bị chấm dứt hợp đồng

23-03-2023 06:24:40

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần Nhỏ Ninh Bình đã chấm dứt hợp đồng lao động với nữ giáo viên hành hung trẻ ngay tại lớp học.

Sự kiện:
Ninh Bình

Nữ giáo viên hành hung học sinh ngay tại lớp học của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Thiên thần nhỏ Ninh Bình. Ảnh cắt từ clip

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết kèm theo đoạn clip nói về về việc, một giáo viên tại trung tâm giáo dục trẻ chậm nói, tự kỷ ở Ninh Bình có hành vi đánh học sinh trong lúc giảng dạy.

Cụ thể, bài viết được đăng trên facebook L.D với nội dung: "Với lương tâm nghề nghiệp của một con người thì không ai có thể hành xử với một đứa trẻ như thế này. Tối nào về cháu cũng khóc. Đây là đỉnh điểm khi gia đình phát hiện ra mới yêu cầu nhà trường check lại camera. Học phí tháng 6-7 triệu mà hành hạ, đánh đập một đứa trẻ như thế. Cô H. là người đánh bé, mọi người chia sẻ giúp em để làm sáng tỏ vụ việc với ạ".

Kèm theo bài viết là một đoạn video có thời lượng gần 1 phút ghi lại cảnh diễn ra trong lớp học của một cơ sở của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Thiên thần nhỏ Ninh Bình được phụ huynh cắt lại từ camera giám sát lớp học.

Trong đoạn video, có 2 giáo viên được cho là đang hướng dẫn học sinh một số kỹ năng cá nhân. Đáng nói, một nữ giáo viên ngồi góc dưới màn hình của camera lớp học, sau vài lần hướng dẫn học sinh cách để tay dưới khăn và đưa lên để lau mặt không được thì người này có hành động tát liên tiếp vào tai và má học sinh này.

Sau đó, nữ giáo viên tiếp tục kéo học sinh ra khỏi vị trí ghế ngồi và bắt học sinh này úp mặt vào cánh tủ ở gần đó. Sự việc diễn ra trong cùng một lớp học nhưng có thể thấy, giáo viên ngồi cạnh cũng không có phản ứng hoặc hành động để can ngăn.

Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, bài viết đã ngay lập tức thu hút được hàng trăm lượt bình luận. Đa số các ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ với hành động của giáo viên trong clip và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm.

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Thiên thần nhỏ Ninh Bình - nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 22/3, đại diện quản lý Trung tâm hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần Nhỏ Ninh Bình xác nhận những hình ảnh trong video được người nhà của học sinh quay lại khi trích xuất camera lớp học của Trung tâm.

Theo người đại diện này, sự việc diễn ra trong khoảng thời gian từ 8 giờ 5 phút đến 9 giờ 20 phút ngày 20/3, trong ca học, cô giáo Trịnh Thị Hồng Hạnh rèn luyện kỹ năng cho học sinh Nguyễn Ngọc Nguyên V. (sinh năm 2019), là học sinh can thiệp theo giờ tại Trung tâm. Cô Hạnh đã có những hành vi chưa phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần Nhỏ Ninh Bình Bùi Thị Thu cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm đã họp toàn bộ cán bộ, giáo viên để kiểm điểm trách nhiệm và yêu cầu cô Hạnh viết bản tường trình.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo Trung tâm cùng cô giáo Trịnh Thị Hồng Hạnh đã tới xin lỗi gia đình học sinh và nhận trách nhiệm để xảy ra sự việc như trên. Sáng 22/3, Trung tâm đã chấm dứt hợp đồng lao động với cô giáo Trịnh Thị Hồng Hạnh vì vi phạm nội quy Trung tâm.

Chia sẻ với Báo Nhân dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Đinh Quốc Trường nhận định đây là sự việc hết sức đáng tiếc.

Ông Trường cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo đã tới trụ sở Trung tâm để nắm tình hình cụ thể và chỉ đạo Trung tâm họp toàn bộ giáo viên, rà soát, kiểm điểm, chấn chỉnh đạo đức nghề nghiệp của giáo viên. Đồng thời, đoàn yêu cầu Trung tâm rà soát lại toàn bộ công việc, quy trình giáo dục, đào tạo trẻ, tránh để tình trạng đáng tiếc như trên xảy ra.

Trung tâm hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần Nhỏ Ninh Bình có trụ sở chính tại phố 11, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Trung tâm được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động từ năm 2020, được Sở hỗ trợ, giám sát hoạt động vì đây là mô hình giáo dục tương đối đặc biệt cho các đối tượng trẻ và học sinh có những khiếm khuyết, thiệt thòi.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //