Tắm lá mùi già ngày cuối năm và những điều tuyệt đối lưu ý

23-01-2020 16:45:11

Tắm lá mùi già tốt cho sức khỏe nhưng trong một số trường hợp, tắm lá mùi già lại có thể dẫn đến tác dụng ngược lại.


Tắm lá mùi già ngày cuối năm rất tốt tuy nhiên vẫn có những người tuyệt đối không dùng.

Với nhiều người Việt, thói quen tắm lá mùi già ngày cuối năm là không thể bỏ qua vì nó được coi là việc có thể giúp xóa sạch những điều không may mắn của năm cũ, đón một năm mới tốt đẹp. Tuy nhiên, với một số trường hợp chúng ta không nên sử dụng lá mùi già để tắm.

Tác dụng của việc tắm lá mùi già với sức khỏe

Thói quen đun nước lá mùi già để tắm trong ngày 30 Tết đã trở thành một phong tục đẹp, thiêng liêng và là nét văn hóa của người Việt không thể thiếu trong mỗi độ Tết đến xuân về.

Theo truyền thống của người Việt, việc tắm lá mùi già ngày cuối năm làm người ta tĩnh tâm sau bao mệt mỏi của cuộc sống mưu sinh. Đây là quan niệm của người xưa được ông bà truyền lại cho con cháu. Người xưa quan niệm mùi thơm của cây mùi sẽ đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ trên thân thể để đón chào năm mới với những điều tốt lành. 

Theo đông y, rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, thông đại tiểu tiện, chống mệt mỏi, tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe, cơ thể luôn mùi hương. 

Rau mùi có ích cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng, làm dịu cơn đau cơ. Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, cơn co rút cơ và cũng được dùng chữa trị cảm.

Ngoài ra, rau mùi còn có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ những chất độc. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống ôxy hóa, có tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu.

Theo thông tin trên tạp chí Medical Microbiology, các nhà khoa học Đại học Nội vụ Beira, Bồ Đào Nha đã chứng minh rau mùi có khả năng kháng khuẩn. Việc ứng dụng đặc tính này của rau mùi trong ngành công nghiệp thực phẩm và y học có thể kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật, ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh.

Còn theo chuyên gia của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, việc tắm nước đun từ hạt hoặc lá mùi già có tác dụng làm cho da sạch, chống viêm nhiễm. Mỗi khi tắm bằng lá mùi hay hạt mùi người chúng ta nóng và toát mồ hôi sau khi tắm nên da chúng ta được sạch hơn, giúp tiêu diệt vi khuẩn, nên phần nào cũng có tác dụng phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Tinh dầu rau mùi chứa chất chống ôxy hóa, có tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu.


Mua lá mùi về tắm là phong tục đẹp của người dân nhiều địa phương.

Những người không nên tắm lá mùi già

Người mắc bệnh viêm da

Những người đang mắc bệnh liên quan đến da như viêm da cơ địa, da trầy xước, bong tróc da, nhiễm trùng da… không nên tắm các loại nước lá nói chung và lá mùi nói riêng.

Người ăn no 

Kể cả với những khi vừa ăn no không nên tắm lá mùi già vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng, ở tim, dẫn đến tiêu hóa kém, chóng mặt, tim đập nhanh.

Trẻ mắc sởi hay thủy đậu

Không nên tắm cho những trẻ đã mắc bệnh sởi hay thủy đậu khi đang bị sốt, ủ bệnh sởi hay khi trẻ đã mọc ban và thậm chí là ngay khi sởi vừa bay. Bởi việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.

Dùng tắm cho trẻ sơ sinh

Việc sử dụng hạt hoặc lá mùi để tắm cho trẻ bị sởi cần được hết sức lưu ý vì một số trẻ cơ địa nhạy cảm, việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắcthêm bệnh dị ứng.

Những điều lưu ý khi tắm lá mùi già

Theo khuyến cáo các bác sĩ đông y, trước khi tắm lá mùi hay bất cứ loại lá nào, cần tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn. 

Không nên tắm nước lá mùi quá đặc và có thể pha loãng chúng ra bằng cách hòa thêm nước nóng lạnh để tắm được thoải mái hơn.

Trước khi sử dụng lá mùi già tắm chúng ta cần rửa sạch lá đun sôi để tránh nhiễm khuẩn.

Nên rửa lá mùi sạch trước khi nấu nước tắm để loại bỏ các tạp chất, các vi khuẩn thường bám trong lá mùi.

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN //