Tạm giữ hơn 9 nghìn sản phẩm của SEVEN.am để điều tra
Lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết, SEVEN.am không có xưởng may mặc riêng, nhưng có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh để sản xuất hàng thời trang.
Quản lý thị trường Hà Nội đi kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang SEVEN.am
Thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ngày 11/11, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn Hà Nội, gồm: số 146-148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông; 506 Nguyễn Văn Cừ.
Qua kiểm tra, tổng số hàng hóa tại 5 cơ sở là 9.035 sản phẩm gồm: 5445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví. Toàn bộ các sản phẩm được bày bán tại các showroom SEVEN.am đều có tem của sản phẩm Seven.am, xuất xứ Made in Vietnam.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đồng thời, chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 14 sau đó đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ. Cùng với đó, Đội này đã lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.
SEVEN.am không có xưởng may mặc riêng, nhưng có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội)
Lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết thêm, SEVEN.am không có xưởng may mặc riêng, nhưng có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội). Toàn bộ sản phẩm được SEVEN.am thiết kế và chuyển sang Công ty Bảo Anh sản xuất và chuyển về.
Bên cạnh đó, tại cả 5 địa điểm kiểm tra nói trên cơ quan chức năng quản lý thị trường chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm. Cũng trong buổi làm việc với Đội quản lý thị trường số 14, ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần MHA, sở hữu thương hiệu SEVEN.am khẳng định, đơn vị chỉ làm thương mại, không sản xuất. Sau khi thiết kế sẽ chuyển sản cho Công ty TNHH Thời trang quốc tế Bảo Anh (Công ty Bảo Anh) may thành phẩm. Công ty Bảo Anh nằm tại toà nhà Hesco, sát bên tay trái cửa hàng SEVEN.am, 135 Trần Phú, Hà Đông.
Trước đó, báo chí đưa tin về hệ thống cửa hàng thời trang mang nhãn hiệu SEVEN.am nhập, cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam. Ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng GĐ xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn. "Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác SEVEN.am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ "đây là hàng Trung Quốc", Ông Hải Anh nói.
Theo Báo Tuổi trẻ thủ đô phản ánh trước đó, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA (nhãn hiệu thời trang SEVEN.am), trước khi xuất đi hàng chục showroom, các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào là phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am.
Ghi nhận của nhóm PV tại một showroom SEVEN.am trên địa bàn quận Hà Đông, một số khăn được bày bán tại đây bị bung chỉ, PV hỏi nhân viên thì người này lúng túng trả lời: “Do quá trình gắn chíp và mác nên có thể chỉ bị tuột”.
Tại một showroom SEVEN.am khác ở Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), tình trạng cũng tương tự như trên. Những chiếc khăn có giá gần 200 nghìn đồng được gắn tem Charning, ngoài dòng chữ “Phân phối bởi Công ty Cổ phần MHA” và một số thông tin khác nhưng phần quan trọng nhất là giới thiệu nguồn gốc xuất xứ lại... không có.
Tại kho công ty này ở tầng 4, tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội), trong vai nhân viên kho của SEVEN.am, PV được giao ghi chép, đếm số lượng sản phẩm nhập về kho, sau đó thực hiện một số công việc, trong đó có yêu cầu kiểm tra trên sản nhập về như quần áo, túi xách, khăn, đồ lót… có chữ Trung Quốc hay không? Nếu có phải xử lý bằng việc cắt hoặc xé bỏ.