Tạm dừng các tour du lịch ngắm cảnh bằng trực thăng sau sự cố rơi máy bay Bell-505

07-04-2023 06:36:07

Sau sự cố rơi máy bay Bell-505 ở Vịnh Hạ Long khiến 5 người tử vong, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) đã tạm dừng các tour du lịch ngắm cảnh bằng trực thăng.

Trục vớt phần đuôi trực thăng rơi trên biển Vịnh Hạ Long. Ảnh: Báo nhân dân

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 6/4, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) đã tạm dừng các dịch vụ bay ngắm cảnh bằng trực thăng sau vụ tai nạn rơi máy bay tại Vịnh Hạ Long chiều qua (5/4).

Theo ông Thắng, ngoài việc dừng tour ngắm vịnh Hạ Long, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam cũng tạm dừng các tour ngắm cảnh ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo chờ thông báo mới.

"Cục tuyên huấn Bộ Quốc phòng sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về sự việc", Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin trên Báo Dân trí hay.

Tàu HQ 885 của Hải quân đang tiến hành trục vớt xác máy bay trực thăng. Ảnh: Báo nhân dân

Tour ngắm vịnh Hạ Long chính thức mở bán từ năm 2020. Đây được biết đến là một trong những tuyến khai thác dịch vụ trực thăng đầu tiên tại Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam không phải là đơn vị cấp phép bay cho hoạt động du lịch này. Hoạt động bay trực thăng ngắm cảnh do Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện.

Hiện Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đang cung cấp tour hành trình bay ngắm cảnh tại nhiều địa điểm; trong đó, các điểm như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng và Vũng Tàu (được cung cấp dịch vụ quanh năm theo yêu cầu). Những điểm đến khác mang tính thời vụ.

Tại Vịnh Hạ Long, công ty này đang tổ chức các dịch vụ bay với giá từ 2,2 triệu đồng đến 6,16 triệu đồng/khách. Cụ thể, với bay khám phá, ngắm cảnh 10 phút trên vịnh Hạ Long có giá 2,2 triệu đồng/vé ở vé ghế đầu, còn ghế sau 1,92 triệu đồng/vé. Với thời gian bay lâu 15 phút, giá dịch vụ là 3,2 triệu đồng/vé cho khách ghế đầu và 2,92 triệu đồng/vé cho ghế sau. Với thời gian bay dài nhất là 30 phút, mức giá dao động 5,88 triệu đồng - 6,16 triệu đồng/vé tùy vị trí.

Các tàu, xuồng của Hải đoàn 11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cùng lực lượng chức năng tìm kiếm tại hiện trường vụ trực thăng rơi, sáng sớm 6/4. Ảnh: Báo tuổi trẻ

Nguồn tin trên Báo Vietnamnet cho hay, máy bay sử dụng phục vụ tour du lịch ngắm Vịnh Hạ Long là mẫu trực thăng Bell 505 được Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ. Đây là dòng trực thăng hạng nhẹ, 4 chỗ ngồi, do hãng Bell Helicopters sản xuất; chuyên dụng để bay du lịch, ngắm cảnh.

Còn theo Dân trí, trực thăng Bell-505 hiện đại có 5 chỗ ngồi, trong đó 1 chỗ dành cho phi công và 4 chỗ dành cho hành khách. Trực thăng du lịch đã có sân bay riêng trên đảo Tuần Châu thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, phục vụ 3 loại chuyến bay ngắm cảnh Hạ Long.

Trên chuyến bay ngắm cảnh Vịnh Hạ Long bằng trực thăng, chỗ ngồi phía trước bên cạnh phi công được đánh giá là tốt nhất với phần kính mở rộng từ trên xuống dưới chân người ngồi, do vậy chỗ ngồi này có giá cao hơn 3 chỗ ngồi còn lại ở phía sau.

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc do Đại tá Chu Quang Minh (SN 1964) điều khiển, chở 4 khách du lịch Việt Nam bao gồm: Ông Hồ Tá Lực (SN 1964), trú tại TP Đà Nẵng; Bà Nguyễn Thị Hội (SN 1963), trú tại TP Đà Nẵng; Bà Hồ Thị Oanh (SN 1962), trú tại TP Đà Nẵng; Bà Phạm Thị Bê (SN 1958), trú tại TP Đà Nẵng ngắm cảnh Vịnh Hạ Long, cất cánh lúc 16h56, mất liên lạc lúc 17h15.

Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty Trực thăng miền Bắc (thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18) phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn.

Đến khoảng 19h18, lực lượng tại hiện trường vớt được 2 thi thể (1 nam, 1 nữ) cùng một số mảnh vỡ nghi là của máy bay tại vị trí mép bờ, tọa độ 20 độ 51 phút 51,2 giây độ vĩ bắc - 107 độ 01 phút 13,4 độ kinh đông.

Vào sáng 6/4, nạn nhân thứ thứ ba trong vụ việc được lực lượng chức năng tìm thấy. Đây được xác định là Đại tá Chu Quang Minh – phi công điều khiển máy bay. Cũng trong sáng cùng ngày, thi thể nạn nhân thứ 4 được tìm thấy khi tiến hành trục vớt mảnh vỡ và động cơ máy bay. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm nạn nhân cuối cùng còn mất tích.

Thông tin với phóng viên Báo VietNamNet, lãnh đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải Việt Nam cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy hộp đen của chiếc trực thăng gặp nạn. Thiết bị này sẽ được chuyển về đất liền cùng với các bộ phận khác của trực thăng để phục vụ công tác điều tra.

 

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/ Giáo dục & Thời đại //