Tại sao vụ nam tiếp viên lây lan Covid-19 bị khởi tố trong khi BN17 lại không?
Xung quanh việc khởi tố vụ án liên quan BN1342, một số ý kiến cũng thắc mắc việc, tại sao trước đó, trường hợp bệnh nhân số 17 (Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) cũng khai báo không trung thực, khiến lây lan cho một số người, tuy nhiên, vụ việc không bị khởi tố, xử lý.
Trao đổi với PV PL & Bạn đọc, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, điểm khác biệt lớn nhất trong 2 vụ việc này, đó là thời điểm ra đời của văn bản số 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, theo ông Cường, vào ngày 30/3/2020 (tức sau thời điểm ghi nhận trường hợp bệnh nhân số 17 tại Hà Nội) thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành văn bản số 45.
Trong đó, hướng dẫn cụ thể xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự; Hành vi gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm C, khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người".
Theo luật sư Cường, xét ở mặt thời điểm, văn bản này ra đời sau khi phát hiện trường hợp bệnh nhân số 17. Điều đó là lý do giải tích tại sao trường hợp của nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - bệnh nhân 1342 vi phạm cách ly làm lây lan COVID-19, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, trong khi đó bệnh nhân số 17 - N.H.N. khai báo không trung thực thì không bị khởi tố.
Ảnh minh họa
Đối với vụ việc liên quan đến nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines có vi phạm ở thời điểm tháng 12/2020 tức là sau khi công văn 45 ra đời, do đó, đã có đủ cơ sở đó để cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Trong khi đó bệnh nhân số 17, nếu được xác định vi phạm đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự thì là vi phạm ở tháng 2/2020 còn phải đến tháng 3/2020, TAND tối cao mới ra văn bản hướng dẫn.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 3/12, nói về hành vi vi phạm của bệnh nhân 1342 (nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines), ông Phong cho biết trưa 3/12, Công an TP đã tổ chức họp báo thông tin về việc khởi tố vụ án liên quan đến việc bệnh nhân 1342 làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm và đề nghị Công an TP tiếp tục khởi tố bị can là bệnh nhân 1342. "Tôi đề nghị khởi tố bị can là bệnh nhân 1342 chứ không chỉ khởi tố vụ án để răn đe", ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho Tuổi Trẻ biết việc bệnh nhân 1342 đi học trong thời gian cách ly tại nhà nhưng không kịp thời khai báo là thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Hành vi của bệnh nhân 1342 là không chấp hành quy định về cách ly phòng chống dịch Covid-19, làm lây lan dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.
GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết đến nay, ngành y tế TP đã xác định được 2.344 người tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 số 1342 - (tiếp viên của Vietnam Airlines), bao gồm 3 trường hợp dương tính đã công bố (BN 1347, BN 1348, BN 1349).
Đến chiều 3/12, 852 người tiếp xúc gần (F1) có kết quả xét nghiệm, tất cả đều âm tính. 1.341 trường hợp là F2 cũng âm tính. Ngoài ra, còn 148 F1 khác vừa được bổ sung vào danh sách qua quá trình truy vết và đang chờ kết quả xét nghiệm. Công tác rà soát, tìm kiếm F1, F2 của các bệnh nhân nói trên vẫn được tiến hành khẩn trương.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, nguyên nhân số F1 của các bệnh nhân này nhiều là do lần này, ngoài những trường hợp tiếp xúc gần dưới 2m, ngành y tế cũng bổ sung dạng "tiếp xúc gần trên 2m", tức những người không đến gần bệnh nhân nhưng tham gia lớp học mà các bệnh nhân này giảng dạy hoặc theo học.
Về sức khỏe 4 bệnh nhân covid-19 hiện chỉ có BN 1342 là có triệu chứng nhẹ, như: ho, đau họng, 3 người còn lại không có triệu chứng. Vì vậy, ông Bỉnh nhấn mạnh nguy cơ lây lan cộng đồng của căn bệnh này nếu người dân không chú trọng các biện pháp phòng bệnh như khẩu trang, khử khuẩn..., ngay cả đối với người không có triệu chứng bệnh hô hấp, báo Người lao động đưa tin.