Trẻ sốt phải xét nghiệm máu, mẹ đừng xót con mà không cho lấy máu kẻo nguy hiểm
Khi con nhỏ bị ốm sốt phải đưa đi khám, nhiều mẹ trẻ rất lo lắng và xót con khi thấy bác sĩ chỉ định cho trẻ đi xét nghiệm máu.
Bởi để phục vụ cho việc xét nghiệm máu, nhân viên y tế phải yêu cầu gia đình bế chặt bé, giữ chặt tay để lấy máu. Trẻ sợ nên sẽ khóc nhiều, thậm chí giãy dụa, nôn trớ để phản ứng với việc mà chúng không thích.
Ngại phải cho con làm xét nghiệm máu nên khi con sốt mà không thấy có dấu hiệu viêm đường hô hấp, nhiều mẹ đã tự chẩn đoán con bị sốt virus, giữ con ở nhà cho uống thuốc hạ sốt và... chờ tự khỏi.
"Thấy con khóc khi lấy máu nên thương"
Mấy hôm nay, chị Nguyễn Thu Hà (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất lo lắng, mệt mỏi vì bạn nhỏ 2 tuổi nhà chị bị sốt cao. Tuy vậy, chị không cho con đi viện vì thấy ngoài dấu hiệu sốt, con chỉ ho nhẹ, không sổ mũi. Theo kinh nghiệm nhiều lần chăm con ốm thì chị cho rằng bé chỉ sốt virus, cứ uống thuốc hạ sốt vài hôm thì sốt sẽ giảm dần và hết.
Chị Hà ngại đưa con đi viện cũng vì lẽ nữa là: Lần nào con sốt, đến viện bác sĩ cũng cho thử máu, thậm chí thử cả nước tiểu, trong khi lấy máu thì thằng bé khóc rất dữ dội, phải hai người giữ chặt tay chân, còn lấy nước tiểu thì phải chầu chực cả buổi cũng chưa xong vì... cứ đến viện là con không chịu tè.
"Từ lúc 4 tháng tuổi, ốm sốt đi viện, bé đã bị lấy máu xét nghiệm rồi. Thương lắm. Sau đó lần nào sốt vào viện, tôi thấy bác sĩ cho đi lấy máu. Sau đó có khi bác sĩ lại chẳng kê kháng sinh mà chỉ cho dùng mấy loại gì đó với vitamin. Thế nên nếu con không có dấu hiệu viêm họng, viêm phế quản... thì tôi chỉ cho hạ sốt vài ngày là khỏi" - chị Hà cho biết về lý do không cho con đi khám.
Chị Phùng Thị Hạnh (ở Tây Hồ, Hà Nội) thì đưa con vào viện khi bé đã sốt ở... ngày thứ 6. Sau 6 ngày con sốt cao, chị hết kiên nhẫn mới cho đi khám. Bác sĩ cho biết: May mà kết quả xét nghiệm cho thấy con chị không bị sốt xuất huyết, chứ nếu mắc sốt xuất huyết thì cháu bé đã ở giai đoạn biến chứng rồi.
Theo bác sĩ, việc tự chẩn đoán sốt virus rồi giữ trẻ ở nhà là rất nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn đang có dịch sốt xuất huyết như hiện nay.
Xét nghiệm máu để có chẩn đoán chính xác hơn
BSCK II Nguyễn Hồng Hà (Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Sốt virus là chẩn đoán rất chung chung, nó khiến chúng ta dễ chủ quan vì nghĩ là bệnh tự khỏi. Giữ trẻ ở nhà vài ngày, nếu chẳng may là sốt xuất huyết thì khi đưa đến viện trẻ đã ở giai đoạn biến chứng, rất nguy hiểm.
Việc xét nghiệm sẽ giúp có chẩn đoán chính xác hơn, từ đó điều trị được sát hơn.
Xét nghiệm máu có vai trò định hướng quan trọng trong việc chẩn đoán. Ảnh minh họa
Có hai xét nghiệm sẽ giúp định hướng chẩn đoán sốt xuất huyết. Thứ nhất là xét nghiệm công thức máu. Đây là xét nghiệm có vai trò định hướng rất quan trọng cho việc chẩn đoán. Nếu kết quả công thức máu của bệnh nhân cho thấy lượng bạch cầu hơi giảm, thầy thuốc sẽ nghĩ đến sốt virus và khả năng là sốt xuất huyết (nhất là đang ở giai đoạn có yếu tố dịch tễ).
Ở những cơ sở có test để tìm kháng nguyên, nếu có kết quả dương tính thì càng định hướng là sốt xuất huyết.
Cũng cần nói thêm, test kháng nguyên là test gien không cấu trúc, không hoàn toàn đặc hiệu, kết quả có thể chéo với một số nhóm flavivirus... Nhưng dù sao trong lúc đang có dịch xảy ra, yếu tố dịch tễ rõ ràng, bệnh nhân sốt, bạch cầu giảm, test dương tính thì định hướng gần như rõ ràng là sốt xuất huyết.
Khi trẻ sốt, đặc biệt lại sốt cao, cần đưa trẻ đến viện. Ảnh minh họa: Dân sinh
Còn nếu bạch cầu tăng cao, hoặc làm xét nghiệm CRP (xét nghiệm phản ứng protien để đánh giá mức độ viêm) ltăng thì lại định hướng cho bệnh nhiễm trùng như viêm mũi họng do vi khuẩn, viêm phổi, viêm đường hô hấp...
Chữa bệnh quan trọng là chẩn đoán. Chẩn đoán bệnh gì thì sẽ có phương thức giải quyết, cách thức điều trị bệnh đó. Chữa bệnh không phải hạ sốt hay chữa sốt, mà là chữa nguyên nhân có thể tác động được, hoặc nếu không tác động được thì cũng phải theo dõi diễn biến của bệnh để có biện pháp xử lý đúng cách.
Các dấu hiệu của sốt xuất huyết, khi nào cần đưa đi bệnh viện. Nguồn: Youtube