Sự thật về thông tin "sinh con một bề được hỗ trợ bảo hiểm y tế, giảm học phí"
Gần đây, nhiều phương tiện đại chúng đăng tin: "Từ 10/3, sinh 2 con một bề được hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí". Tuy nhiên, theo TS Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), đây là cách hiểu không đầy đù.
Hiểu "sinh con một bề" được hỗ trợ tài chính như vậy là không đầy đủ
TS Đinh Duy Hương chia sẻ, các chính sách hỗ trợ sinh con một bề mà các phương tiện thông tin đại chúng đăng là dẫn Thông tư 01/2021/TT-BYT, do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/3. Đây là Thông tư hướng dẫn một số nội dung để địa phương làm căn cứ xây dựng chính sách khuyến khích: khen thưởng, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Theo nội dung Thông tư, đối tượng được khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật là các tập thể và cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Thông tư có 8 điều, trong đó, Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương một số nội dung khuyến khích liên quan đến việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế; kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2021.
Sinh con một bề được hỗ trợ hay hỗ trợ như thế nào là tùy vào từng địa phương. Ảnh minh họa
Trong Điều 4 của Thông tư có hướng dẫn 1 số nội dung khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Cụ thể, với tập thể, các xã đạt 100% thôn đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Với cá nhân, căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con như: Tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.
"Như vậy, việc các cặp vợ chồng sinh con một bề (có ký cam kết không sinh thêm con) có thuộc diện được khuyến khích, hỗ trợ hay không còn tùy thuộc vào tình hình thực tế tại từng địa phương, do địa phương quyết định.
Điều này không đồng nghĩa với việc, tất cả người dân trên cả nước, cứ sinh 2 con một bề là được hưởng các khuyến khích, hỗ trợ như một số bài báo đã đăng tải", TS Dương nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều phương tiện thông tin đã đăng tải thông tin: "Từ 10/3, sinh con một bề được hỗ trợ bảo hiểm y tế, giảm học phí", điều này gây hiểu lầm cho không ít người là cứ sinh con một bề là được hỗ trợ bảo hiểm y tế, giảm học phí.
Tuy nhiên, theo phân tích của TS Dương, Bộ chỉ xây dựng Thông tư làm căn cứ để các địa phương thực hiện. Còn khen thưởng, khuyến khích ra sao là do địa phương quyết định, phụ thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội của từng địa phương.
TS Dương cũng nêu rõ, nguồn kinh phí khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác dân số nói chung lấy từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Từ trước đến nay, nhiều địa phương đã có các hình thức khen thưởng, hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề.
Như Hậu Giang (năm 2019-2020) đã khen thưởng gia đình sinh 1 bề là gái. Trong năm 2019-2020 đã có 56 gia đình được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và số tiền trị giá 1 tháng lương cơ bản (hiện là 1.490.000 đồng).
Tại TP Cần Thơ, An Giang, Hà Tĩnh... cũng đang áp dụng chính sách khen thưởng gia đình sinh con 1 bề là gái.
Các hình thức biểu dương, khen thưởng bằng tiền hay hiện vật, tùy thuộc vào từng địa phương, thậm chí từng huyện, từng xã... Các hình thức khen thưởng này nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (nữ nhiều hơn nam) của địa phương.