Sử dụng thuốc nội đã hình thành trong tiềm thức của người dân
Tuy tính theo giá trị, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại một số đơn vị chưa cao nhưng tính theo số lượng mặt hàng thì tỷ lệ này lại khá lớn.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Chiều 29/10, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Y tế và đi kiểm tra tại một số cơ sở y tế.
Thiết thực hưởng ứng cuộc vận động
Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường cho biết hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động và tích cực triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phát động và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai cuộc vận động.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng; đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sau thời gian triển khai thực hiện cuộc vận động, ngành y tế đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Y tế đã tổ chức Diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” nhằm phát động và xin ý kiến rộng rãi cho dự thảo Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam;” tổ chức các buổi tọa đàm giới thiệu chủ trương, chính sách và quảng bá về tính ưu việt của việc sử dụng thuốc Việt trong khám, chữa bệnh; các chương trình giới thiệu ngành công nghiệp dược Việt Nam và một số hình ảnh cơ sở vật chất của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt” - GPs theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)…
Trong năm 2014 và 2015, Bộ Y tế mà đầu mối là Cục Quản lý Dược đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất thuốc và các sản phẩm thuốc trong nước tiêu biểu.
Công tác đảm bảo chất lượng thuốc một cách toàn diện từ sản xuất đến lưu thông, sử dụng luôn là vấn đề được Bộ Y tế chú trọng. Bộ cũng quan tâm đến công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam,” các doanh nghiệp dược đã tích cực tham gia Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” để bình chọn doanh nghiệp sản xuất thuốc và sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt.”
Đến hết năm 2015, cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới,” doanh thu sản xuất trong nước ngày càng tăng. Thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng thuốc (về giá trị tiền thuốc sử dụng); đã sản cuất được 10/12 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng...
Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng
Theo Bộ Y tế, số liệu thu được trong quá trình tổng kết giai đoạn 1 (2012- 2015) của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện đã tăng lên.
Báo cáo của Sở Y tế 61 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ trung bình tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện năm 2015 là 67,89% (năm 2010, trước khi triển khai Đề án là 61,5%); tỷ lệ trung bình tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh năm 2015 là 35% (năm 2010 là 33,9%).
Có nhiều đơn vị đã vượt mục tiêu Đề án đề ra như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An với tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện trên 80%, tuyến tỉnh trên 60%.
Tuy tính theo giá trị, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại một số đơn vị chưa cao nhưng tính theo số lượng mặt hàng thì tỷ lệ này lại khá lớn.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỷ lệ thuốc sử dụng tính theo giá trị chỉ đạt khoảng 6% nhưng tính theo số lượng mặt hàng đạt gần 30%. Bệnh viện Chợ Rẫy, các tỷ lệ tương ứng là khoảng 11-13% và 40%; Bệnh viện Thống Nhất là 20,89% và gần 65,13%. Nguyên nhân là do các sản phẩm thuốc sản xuất trong nước có giá thành hợp lý và thấp hơn so với thuốc nhập ngoại.
Những con số trên cho thấy khái niệm "sử dụng thuốc sản xuất trong nước" đã hình thành trong tiềm thức của người dân cũng như cán bộ y tế khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, để nhận thức này lan rộng và mang tính bền vững, các đơn vị trong ngành cần có những biện pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa khi triển khai thực hiện Đề án.
Bộ Y tế đề xuất thời gian tới, Chính phủ cần có thêm chủ trương, chính sách vận động mang tính đột phá để các cơ sở y tế ưu tiên lựa chọn thiết bị sản xuất trong nước, đặc biệt là những thiết bị công nghệ cao. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực, đổi mới dây chuyền công nghệ, hoàn thiện sản phẩm, mẫu mã, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, Chính phủ sớm xem xét sửa đổi Nghị định về kinh doanh, bán hàng đa cấp theo hướng không cho kinh doanh đa cấp mặt hàng thực phẩm chức năng...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bắt đầu từ năm 2009 và đến nay đã được bảy năm. Hưởng ứng cuộc vận động, Bộ Y tế là một trong những đơn vị làm tốt về chủ trương và chính sách.
Bộ Y tế đã có chủ trương sớm, mục đích và hệ thống giải pháp đồng bộ và quyết liệt để thực hiện cuộc vận động; đồng thời có các hình thức tuyên truyền sáng tạo. Đặc biệt, Bộ đã cụ thể hóa được cuộc vận động thành đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam.”
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thời gian tới Bộ Y tế cần chú trọng đến việc triển khai cuộc vận động tại các sở y tế và bệnh viện để tăng số đơn vị thực hiện cuộc vận động trong cả nước; khuyến khích khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt, có giải thưởng cho báo chí về việc tuyên truyền cho cuộc vận động.
Ngành y tế phải tăng cường truyền thông về tác dụng và hiệu quả của thuốc sản xuất trong nước, tạo niềm tin cho người tiêu dùng sử dụng thuốc Việt...
Trước đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn kiểm tra đã thăm, làm việc với Công ty cổ phần TRAPHACO và Bệnh viện Nhi Trung ương.