Số trẻ mắc virus hô hấp hợp bào nhập viện tăng đột biến
Thông tin từ Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây số trẻ em nhập viện do mắc virus hô hấp hợp bào tăng vọt. Hiện các giường bệnh tại trung tâm này đã chật kín.
Một trẻ mắc virus hô hấp hợp bào phải thở oxy đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Tiền Phong
Ngày 14/10, PGS.TS.BS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho PN Online biết, khoảng một tháng trở lại đây (từ thời điểm giao mùa) số trẻ mắc virus hợp bào hô hấp tăng đột biến.
Điển hình là trường hợp bé H.M.T (Ba Vì, Hà Nội) mới 3 tháng tuổi nằm im lìm, hai má đỏ hồng vì cơn sốt chưa hạ, mặt nạ thở oxy che nửa khuôn mặt nhỏ xíu, vẻ mệt mỏi hiện rõ trong từng nhịp thở nặng nề.
Chị Nguyễn Thị P, mẹ bệnh nhi cho biết con đã phải thở máy 3 tuần vì bị viêm phổi nặng, mới chuyển sang thở oxy được 1 tuần nay. Trước đó, khi ở nhà bé bị chướng bụng, có dấu hiệu ngừng thở nên gia đình cho đến Bệnh viện Nhi T.Ư khám.
Trong khi đó, ở phòng bên cạnh, cô bé 9 tuổi H.Th.Tr (Kim Bảng, Hà Nam) bị sốt cao hơn 1 tuần, bị ho nặng, khó thở phải nhập viện cấp cứu. Thân hình gày gò, da xanh mét, Tr. không chịu ăn uống vì quá mệt.
Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, phần lớn bệnh nhân tại đây đều rơi vào tình trạng như 2 bệnh nhi nói trên. Hầu hết các trường hợp bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản. Còn lại là những bệnh lý chuyên sâu hơn như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, dị dạng đường thở…
Các bệnh nhân tới trung tâm thăm khám, điều trị là trẻ trong độ tuổi từ một tháng đến 15 tuổi, mắc các bệnh viêm mũi họng, cảm cúm và phổ biến nhất là viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Đáng chú ý, theo bác sĩ Hạnh, hiện số ca bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện khá nhiều. Hiện tại, có tới 60 bệnh nhi phải thở ô-xy (chiếm gần 40% số bệnh nhân nội trú), dao động từ 3-5 trẻ phải thở máy không xâm nhập.
Nhiều trẻ có bệnh nền nặng như tim bẩm sinh, loạn sản phổi, đẻ non, não bẩm sinh, suy dinh dưỡng… khiến bệnh càng nặng, thời gian điều trị lâu. Hầu hết bệnh nhân ở đây được chuyển từ tuyến dưới lên phần lớn từ Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hải Phòng và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bác sĩ Hạnh chia sẻ, do lượng bệnh nhân quá đông nên mỗi ngày trung tâm phải luân chuyển 25-30 bệnh nhân về tuyến dưới hoặc cho ra viện để tiếp nhận bệnh nhân khác nặng hơn.
“Trung tâm có 155 giường và hiện đã kín…trường hợp có thêm bệnh nhân nặng sẽ kê thêm hai cũi di động vào một phòng để đảm bảo không trẻ nào phải nằm ghép, tránh lây chéo bệnh.”, bác sĩ Hanh thông tin.
Theo bác sĩ Hạnh, có rất nhiều căn nguyên gây viêm đường hô hấp, do vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên giai đoạn giao mùa là khoảng thời gian không khí chuyển lạnh, ẩm hơn, ánh sáng mặt trời ít hơn làm cho virus sinh sôi nảy nở trong môi trường mạnh hơn.
Đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp cho trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Đây là virus thường xuyên gặp ở trẻ gây viêm phổi, viêm tiểu phế quản, dễ gây suy hấp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, virus hợp bào hô hấp lây lan qua không khí, qua tiếp xúc với vật bị nhiễm virus, với các triệu chứng gồm sổ mũi, thở khò khè, thở nhanh, khó thở, ho và sốt.
Những biến chứng của viêm tiểu phế quản do virus hợp bào hô hấp có thể kể đến là khoảng 20% trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa và khoảng 30% trẻ bị hen suyễn sau khi bị viêm tiểu phế quản.
Do đó, để phòng bệnh hô hấp lúc chuyển mùa, các bác sĩ khuyến cào người lớn không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Nên tắm nước ấm cho trẻ trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người và mặc quần áo thật nhanh.