Số ca mắc cúm A có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế nói gì?

22-07-2022 08:18:01

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, số ca mắc cúm A có xu hướng gia tăng ở miền Bắc trong thời gian gần đây.

Tại hội trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra chiều 21/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện có 4 dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam là Covid-19, cúm A, tay chân miệng và sốt xuất huyết. Trong đó, số ca mắc cúm A có xu hướng gia tăng ở miền Bắc trong thời gian gần đây.

Theo Thứ trưởng Hương, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số mắc cúm hiện nay cho thấy, không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.

Thứ trưởng Hương cũng nhận định, đến nay, chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây số ca nhập viện do mắc cúm A có xu hướng tăng.

Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A. Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Chia sẻ tại hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng thông tin, hiện nay, tại một số địa phương, 1 số bệnh viện tuyến cuối có ghi nhận gia tăng bệnh nhân mắc cúm A đến khám và điều trị.

Tiến sĩ Tâm đánh giá, sự gia tăng này chưa phản ánh điều gì bất thường vì dịch tễ nước ta vẫn ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca mắc cúm mỗi năm. Tuy nhiên, ngành y tế cũng cần tăng cường giám sát trọng điểm để xác định nguyên nhân mắc bệnh và truyền thông để người dân dự phòng cúm.

Lý giải nguyên nhân số ca mắc cúm A tăng, tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm phân tích, trong 2 năm dịch Covid-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ít.

Tuy nhiên sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vậy số ca mắc có xu hướng tăng. Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ.

Liên quan đến bệnh cúm A, chia sẻ trên Tạp chí Tri thức trực tuyến, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, cúm A thường gặp ở thời tiết lạnh nhưng với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, bệnh lý này có thể xảy ra ở tất cả thời điểm trong năm.

Về mặt triệu chứng lâm sàng, chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải là sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi. Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, có thể gặp triệu chứng của viêm phổi.

Theo bác sĩ Thư, người bệnh và bác sĩ điều trị phải phân biệt cúm A với các bệnh cảm lạnh thông thường cũng như những loại virus khác, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Để phòng tránh cúm A, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng khuyến cáo, người dân nên duy trì thói quen đeo khẩu trang, vệ sinh đường mũi họng, chủ động nâng cao sức đề kháng và tiêm phòng cúm hàng năm. Trong trường hợp không may xuất hiện các triệu chứng của cúm A mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị phù hợp.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //