Siêu thị T-Mart bày bán thực phẩm hư hỏng, nấm mốc cho người tiêu dùng?

09-04-2018 11:51:21

Mặc dù thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc nhưng vẫn được siêu thị T-Mart bày bán liên tục trong thời gian dài. Phải chăng doanh nghiệp đang vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe người tiêu dùng?

Vừa qua, tòa soạn Đời sống Plus nhận được thông tin phản ánh về việc siêu thị T-mart (chi nhánh KĐT Ecohome 2, phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thuộc Công ty cổ phần T-Martstores (địa chỉ tại 29 Liền kề 5, Khu đô thị Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) bày bán nhiều loại thực phẩm hư hỏng, nấm mốc không đảm bảo cho người tiêu dùng.

Siêu thị T-mart tại khu đô thị Ecohome 2 (phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thuộc Công ty cổ phần T-Martstores nơi khách hàng phản ánh

Theo phản ánh của anh Phong (trú tại KĐT Ecohome 2): "Vào ngày 1/4, tôi có xuống siêu thị T-mart dưới nhà mua thực phẩm. Khi đến kệ bán trái cây, tôi nhận thấy gian hàng bán xoài và nho không được tươi, đặc biệt nho dấu hiệu mốc trắng.

Khi tôi thắc mắc thì được nhân viên siêu thị T-mart trả lời: “Bọn em giảm giá 30-50% cho sản phẩm, mấy sản phẩm này có từ nhiều hôm nay rồi”. Khi tôi hỏi ăn có làm sao không, thì nhân viên bán hàng ấp úng cho biết “Em không biết đâu!".

Đáng chú ý, theo anh Phong, thực trạng hoa quả hư hỏng, mốc meo tại siêu thị T-mart đã diễn ra liên tục trong thời gian dài. "Có lần vợ tôi ham rẻ mua quả dưa hấu giảm giá về ăn. Cả nhà được hôm đau bụng phải đi viện", người này bức xúc.

Anh Phong (trú tại KĐT Ecohome 2) bức xúc về thực phẩm siêu thị T-mart bày bán có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc

Để rộng đường dư luận, PV Đời sống Plus đã liên hệ làm việc với Công ty CP T-Martstores. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin, một nữ nhân viên ở đây trả lời với thái độ thiếu tôn trọng và cho biết: “Bên tôi không có ai phụ trách ở đây đâu, giám đốc đang đi vắng không có thời gian tiếp báo chí”.

Dự luận không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi: Công ty CP T-Martstores có nắm được thực trạng đang diễn ra về chất lượng thực phẩm tại chuỗi siêu thị của mình? Có hay không việc vì lợi nhuận kinh tế mà doanh nghiệp bất chấp đánh đổi sức khỏe của người tiêu dùng?

Đời sống Plus sẽ tiêp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Điều 21. Hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

a) Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa, trừ thuốc bảo vệ thực vật;

c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

13. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 12 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là lương thực, thực phẩm; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho người, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm;

15. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

 

Vũ Thành
Theo Đời sống Plus/GĐVN //