Sẽ 'xử' các trường hợp tự ý tăng giá thuốc Tamiflu

26-12-2019 15:13:55

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng xác nhận hoàn toàn không sử dụng Tamiflu cũng như không kê đơn thuốc này cho bệnh nhân trong điều trị cúm A và biến chứng viêm phổi, viêm họng, phế quản.

Ngay khi Sở Y tế Hải Phòng công bố đường dây nóng 0967.771.515 tiếp nhận thông tin về các trường hợp cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc tự ý tăng giá bán thuốc Tamiflu, các quầy thuốc đã từ chối bán thuốc này nếu không có đơn thuốc kèm theo. Phía Sở Y tế Hải Phòng cũng nêu quan điểm sẽ xử lý theo quy định trường hợp nào vi phạm tự ý tăng giá bán thuốc Tamiflu.

Một con phố, mỗi địa chỉ một giá

Trước đó, theo phản ánh của người dân, lợi dụng nhu cầu mua thuốc Tamiflu điều trị cúm A của người bệnh, nhiều nhà thuốc đã tranh thủ tăng giá.

Tại một số hiệu thuốc lớn trên đường Lạch Tray, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Chân… hầu hết đều trong tình trạng khan hiếm loại thuốc điều trị cúm A, nếu có thì cũng được bán với giá rất cao.

Tại khu vực bán dược phẩm trên phố Hai Bà Trưng (quận Lê Chân) gần Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, giá bán thuốc Tamiflu đã có sự chênh lệch nhau. Một quầy bán với giá 170.000 đồng/viên, trong khi đó chỉ cách vài chục mét, giá bán loại thuốc này là 200.000đ/ viên, cao gấp nhiều lần giá niêm yết tại các bệnh viện.


Lượng khách hỏi mua thuốc Tamiflu đã vắng hẳn

Khảo sát của phóng viên, sáng nay (25/12) tại các hiệu thuốc lớn trên đường Lạch Tray, Trần Đức Cảnh, Hai Bà Trưng…, lượng khách hỏi mua thuốc Tamiflu vắng hẳn. Khi có người đến hỏi mua, các nhân viên quầy thuốc đều tỏ ra thận trọng.

Có hiệu thuốc, khi biết người mua muốn mua thuốc để điều trị dự phòng mà không có đơn thuốc của bác sĩ đã từ chối bán, nói rằng không có thuốc. Hầu hết, các nhân viên nhà thuốc đều yêu cầu phải có đơn thuốc của bác sĩ và tư vấn dùng sang các loại thuốc bổ để tăng sức đề kháng nếu muốn dự phòng lây nhiễm.

Theo lời một chủ quầy thuốc tại Hải Phòng, thuốc Tamiflu đúng là có khan và bị đẩy giá do nhu cầu mua lớn, thậm chí mua đi bán lại trong khi nguồn cung lại ít. Bên cạnh đó, tâm lý người mua thuốc này không chỉ để điều trị mà còn để dự phòng.

Bệnh nhân khám và nhập viện liên quan cúm A đã giảm

Theo thông tin từ BV Trẻ em Hải Phòng, tính đến 25/12, số bệnh nhi đến khám và nhập viện liên quan đến cúm A đã giảm rõ rệt. Ngày 23/12, BV tiếp nhận 167 lượt đến khám thì có 63 ca nhập viện. Ngày 24/12, có 175 lượt khám thì có 83 ca nhập viện vì cúm A.

Đến nay, trong tổng số 984 bệnh nhân đang điều trị tại BV Trẻ em Hải Phòng, có 324 bệnh nhân điều trị cúm A. Các bệnh nhân nhập viện điều trị cúm A và biến chứng của cúm A được phân bố chủ yếu tập trung ở khoa truyền nhiễm và rải rác một số khoa còn lại do liên quan đến bệnh lý khác.

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng xác nhận, phía bệnh viện hoàn toàn không sử dụng Tamiflu cũng như không kê đơn thuốc này cho bệnh nhân trong điều trị cúm A và biến chứng viêm phổi, viêm họng, phế quản.

Theo lời một bác sĩ công tác tại BV Trẻ em Hải Phòng, có 6 loại thuốc liên quan đến hoạt chất giống như Tamiflu được phép lưu hành ở Việt Nam, trong đó Tamiflu là thuốc đầu tiên sản xuất ra, do đó được nhiều người ưu tiên sử dụng.

Theo khuyến cáo từ phía BV Trẻ em, người mắc cúm A chỉ nên sử dụng Tamiflu trong điều trị dự phòng khi đối tượng là trẻ em, người già, có sức đề kháng kém, lại đang sống ở trong vùng có dịch.

Việc sử dụng thuốc Tamiflu dù là dự phòng hay điều trị cũng phải qua thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Tamiflu chỉ có tác dụng trong 48 giờ đầu vì công dụng của Tamiflu là ức chế sự nhân lên của virus, tạo ra một lớp màng ức chế sự bám của virus trong niêm mạc, mũi... Sau 48 giờ, số lượng virus đã nhân lên rất nhiều, việc uống thuốc vào thời điểm này hầu như không có tác dụng, thậm chí còn gây nhờn thuốc.

Trong trường hợp đã dùng thuốc hạ sốt đúng cách (2 lần liên tục) mà vẫn không hết sốt thì bệnh nhân có thể nhập viện để theo dõi, các bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị kháng sinh hay không tùy theo thể trạng.

Thông thường, chu kỳ sốt sẽ giảm dần. Dựa vào đặc điểm của dịch bệnh cúm và kinh nghiệm công tác, một bác sĩ đánh giá, trong mấy ngày tới, khi sương mù hết, gió mùa lên, dịch cúm sẽ giảm dần.

Đinh Huyền - Minh Lý
Theo Gia đình& Xã hội //