Rươi vào mùa bội thu, nông dân hối hả tháo nước bắt "lộc trời cho"

03-12-2016 20:47:49

Trên những vùng bãi triều bát ngát ven sông ở vùng cửa biển Hải Dương, Hải Phòng, năm nay các đầm nuôi rươi lại được mùa.

Rươi ở Hải Dương

Mùa rươi đến! Đó là lúc người dân An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương sẵn sàng săm, sàng, xô chậu, hối hả tháo nước bắt rươi, theo VOV.

Thôn An Định những ngày trung tuần tháng 10 âm lịch là mùa rươi chính vụ. Đã 7, 8 giờ tối, trên con đường làng vẫn rầm rập ô tô, xe máy của thương lái và người mua lẻ từ khắp nơi đổ đến mua rươi.

Ngoài cánh đồng rươi, ánh đèn pin rọi xuống mặt nước lấp loáng như ánh sao đêm. Tiếng cười nói rộn ràng cả một triền sông. Rươi của đất Tứ Kỳ vốn nức tiếng thơm ngon: thân mập, nhiều bột, béo ngậy, màu đỏ hồng, không tanh.

Thế nên mùa rươi năm nào cũng vậy, thương lái đến tận ruộng săn đón, mua cho được con rươi tươi ngon vừa được đưa lên khỏi mặt nước, dù giá rươi có khi lên đến 600.000 đồng một kg. Chả vậy mà người dân nơi đây gọi rươi là con rồng đất - nguồn thu nhập chính của nhiều hộ ở An Định.

Nông dân Hải Dương thu hoạch rươi. Ảnh: VOV

Mùa rươi, thôn An Định vui như vào hội. Nhà nào mở cống thu rươi là bà con chòm xóm đến hỏi han, xúm vào giúp gia chủ một tay đưa rươi lên bờ.

Nhà ông Phạm Văn Tơ - có diện tích ruộng rươi lớn nhất nhì xã thu được 5 tạ rươi từ 5 mẫu ruộng. Với giá 400 nghìn đồng/kg, số rươi này đã mang lại cho gia đình ông khoản tiền lớn. Ông Tơ vui vẻ: “Một cân rươi bằng cả tạ thóc. Dù giá rươi khi lên khi xuống nhưng thu nhập từ rươi lớn gấp 10 - 12 lần so với cấy lúa”.

“Con rươi “cho” người làng tiền, lại cho cả sức khỏe bởi nhờ chúng mà người dân An Thanh có ý thức gìn giữ môi trường, không khí trong lành. Thế nhưng, họ vẫn canh cánh nỗi lo nước sông Thái Bình bị ô nhiễm sẽ khiến con rươi bị mất đi và nạn khai thác cát trái phép sẽ làm cánh đồng rươi bị lở đất”, ông Phạm Văn Tơ chia sẻ.

Rươi ở Hải Phòng

Rươi chỉ nổi ở vùng nước lợ gần cửa sông nơi có nước thủy triều lên xuống. Hải Phòng có nhiều vùng rươi lớn với tổng sản lượng khai thác mỗi năm có thể lên đến hàng trăm tấn. Hầu hết các xã có vùng nước lợ ven các sông Văn Úc, Thái Bình, sông Luộc, sông Hóa thuộc các huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo đều có rươi.

Thông thường, vụ rươi kéo từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, tập trung vào con nước triều cuối tháng 9, đầu tháng 10. Dân gian có câu “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là thế. Năm nay, trên các bãi rươi, hai con nước vừa qua mới chỉ có loáng thoáng ít rươi, mặc dù từ cuối tháng 8 âm lịch đã thấy rươi nổi. Nhiều năm rồi rươi mới về sớm như vậy – dấu hiệu của một năm được mùa rươi.

Quả thật, đến con nước cuối tháng 10 âm lịch, rươi bắt đầu nổi nhiều. Vụ này được mùa, rươi nhiều hơn hẳn năm ngoái. Các đầm nuôi đồng loạt thu rươi nên giá tụt nhanh chóng. Đầu vụ, rươi ít nên giá “ngất ngưởng” ở mức 500 - 600 nghìn đồng/kg, nay giá chỉ còn khoảng một nửa.

Nông dân Hải Phòng vui mừng thu hoạch rươi. Ảnh: Dân Việt

Anh Nguyễn Văn Long ở thôn Minh Đông, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo có 3 mẫu đầm (hơn 1ha) nuôi rươi. Con nước cuối tháng 10 vừa rồi, trong 3 ngày, anh thu 2 tạ rươi. Mặc dù giá bán thấp hơn nhiều năm vì rươi được mùa, nhưng anh vẫn thu về trên 60 triệu đồng.

Anh Long giảng giải, mùa rươi dài 3 - 4 tháng, mỗi tháng có 2 con nước thủy triều, khi đó sẽ có rươi nổi. Trong đó, thường thì 1 con nước có nhiều rươi lên, 1 con nước ít. Trung bình cả vụ, sản lượng rươi dao động từ 3 - 8 tạ/ha. Ở những vùng nhiều rươi trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo như xã Giang Biên, Hòa Bình, Trấn Dương, Vĩnh An, Cao Minh, Cộng Hiền…, sản lượng có thể đạt tới 30kg/sào. Những nơi có ít rươi hơn thì thu 10 - 15kg/sào.

Rươi Hải Phòng to, đỏ, “bụ” sữa, được thị trường rất ưa chuộng nên đến nay không đủ bán. Rươi bán lẻ tại các chợ, hầu hết là rươi nhỏ do tiểu thương thu mua từ các địa phương lân cận hoặc từ những người vớt rươi trong tự nhiên, báo Dân Việt đưa tin.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus //