Quy trình 'nới' lên 25 tầng ở dự án Rice City Linh Đàm
Ban đầu, chủ đầu tư dự án Rice City Linh Đàm được phê duyệt quy mô các công trình từ 8-15,68 tầng, sau đó có Quyết định điều chỉnh thành 12-21 tầng nhưng thực tế Công ty cổ phần BIC Việt Nam đã được “hợp thức hóa” 2 tòa nhà A1, A2 trên ô đất CT5 thành 25 tầng.
“Phù phép” thế nào thành 25 tầng?
Theo tài liệu của Dân Việt, ngày 7/2/2013, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định 1261 chấp thuận đầu tư Dự án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại các ô đất có ký hiệu CT1, CT4, CT5 và một phần ô đất có ký hiệu CT2 thuộc quỹ đất 20% dự án Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BIC Việt Nam.
Tại Quyết định này UBND TP. Hà Nội chỉ phê duyệt quy mô dự án với tầng cao công trình trung bình khoảng từ 8,53 đến 15,68 tầng (loại cấp công trình dân dụng cấp II – cấp III).
Vì sao Rice City Linh Đàm được điều chỉnh thành 25 tầng? (Ảnh: PL)
Ngoài ra, tổng số nhà ở được phê duyệt là 1.037 căn hộ chung cư với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 75.815m2, trong đó có 1 công trình chung cư cao 13,6 tầng tại ô đất có ký hiệu CT1: khoảng 217 căn hộ; 1 công trình chung cư cao trung bình khoảng 15 tầng tại một phần ô đất có ký hiệu CT2 khoảng 112 căn hộ; 2 công trình trung cư cao 15,68 tầng tại ô đất có ký hiệu CT4 khoảng 380 căn hộ và 2 công trình chung cư cao trung bình khoảng 8,53 tầng tại ô đất có ký hiệu CT5, khoảng 328 căn hộ. Tổng mức đầu tư khoảng hơn 706 tỷ đồng.
Sau đó hơn một năm, đến ngày 5/11/2014, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có Quyết định 8648 về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của dự án này. Theo đó, ngoài Công ty Cổ phần BIC quyết định còn bổ sung thêm chủ đầu tư là Công ty Cổ phần phát triển nhà xã hội HUD.VN. Trong đó, Công ty Cổ phần BIC Việt Nam đầu tư xây dựng các công trình B1, B2, trên ô đất CT4, A1, A2 và C1 trên ô đất CT5; Công ty Cổ phần phát triển nhà xã hội HUD.VN đầu tư xây dựng các công trình CT1, A1 và CT2, TP và CT4 –A1.
Quy mô dự án cũng được điều chỉnh từ 12- 21 tầng với các lọai công trình dân dụng cấp I – II. Điều đáng nói là 2 công trình chung cư trung bình khoảng 8,53 tầng tại ô đất có ký hiệu CT5 khoảng 328 căn hộ đã được điều chỉnh thành công trình ký hiệu A1, A2 cao 21 tầng 280 căn hộ và một công trình C1 cao 21 tầng 228 căn hộ.
UBND TP. Hà Nội đã cho phép chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BIC Việt Nam được điều chỉnh công trình từ hơn 8,5 tầng lên thành 21 tầng. Thời gian đưa vào sự dụng thay vì quý III/2015 cũng được dãn tiến độ sang quý IV/2016.
Quyết định này cũng nêu rõ: Phần sở hữu riêng của Chủ đầu tư được bố trí riêng và dưới các tầng căn hộ các công trình B1, B2 trên ô đất CT4 và A1, A2, và C1 trên ô đất CT5. Phần lợi nhuận thu được (nếu có) phải hạch toán trong phương án cân đối tài chính của toàn bộ dự án phát triển nhà ở xã hội đề làm cơ sở tính toán, xác định giá bán theo Thông tư 08 ban hành ngày 23/5/2014 của Bộ Xây dựng.
Việc hạch toán các tầng thương mại sở hữu riêng này hiện vẫn chưa được chủ đầu tư làm rõ đã tính toán vào giá bán như thế nào cho người mua nhà.
Trả lời câu hỏi này, đại diện Công ty Cổ phần BIC cho rằng, việc hạch toán đã tính vào chi phí giá dịch vụ hàng tháng nên mới có giá 5.000 đồng/1m2, tiền gửi xe... như hiện tại vì không ở đâu thu phí dịch vụ thấp thế.
Ngày 28/12/2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản số 6119 do ông Bùi Mạnh Tiến – Phó Giám đốc sở ký chấp thuận bản vẽ tổng thể mặt bằng cho Công ty Cổ phần BIC Việt Nam.
Bằng văn bản này, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã “vượt mặt” cả UBND TP. Hà Nội để phê duyệt cho Công ty Cổ phần Big Việt Nam tiếp tục được điều chỉnh tầng cao công trình lên từ 21-25 tầng.
Cụ thể, thời điểm này chủ đầu tư đã xây dựng nhà C1 cao 21 tầng nên Sở Quy hoạch kiến chúc nêu rõ là giữ nguyên không điều chỉnh (đã xây dựng); nhà A1, A2 cao 25 tầng (5 tầng khối đế bố trí diện tích sàn thương mại, dịch vụ, chỗ đỗ xe và không gian kỹ thuật); các tầng căn hộ giữ nguyên theo quy hoạch được duyệt và ý kiến về kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng của Cục Quản lý hoạt động xây dựng Bộ Xây dựng tại văn bản số 440 ngày 4/9/2014.
Trong khi trước đó, ngày 19/5/2014, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng có văn bản số 1892 chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng cho diện tích ô đất CT5 là 10.552 m2 diện tích xây dựng khoảng 3931,1 m2, mật độ xây dựng 37,3%. Tổng diện tích sàn xây dựng 47.783,6m2, tầng cao 21 tầng, dân số 1.524 người.
Như vậy, từ 8,5 tầng, 2 tòa nhà A1, A2 trên ô đất CT5 đã được “phù phép” lên thành 25 tầng vào thời điểm cuối năm 2015, khi mà các căn hộ này đã đang triển khai xây dựng và sau đó cuối năm 2016 đã bàn giao cho cư dân vào ở.
Ngày 5/7, PV Dân Việt đã liên hệ làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trước bức xúc của dư luận việc bố đẻ Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BIC Việt Nam và người nhà Phó tổng giám đốc có danh sách mua nhà ở xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ kiểm tra, nếu đúng sẽ không cho đầu tư dự án khác nhưng kiểm tra xong năm 2016 đã không công bố.
Bộ Xây dựng nói gì?
Ngày 13/5/2019, Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt đã gửi câu hỏi sang Bộ Xây dựng cũng như đề nghị cung cấp tài liệu về kết quả thanh tra dự án Rice City Linh Đàm của Công ty cổ phần BIC Việt Nam. Sau hơn 1 tháng, ngày 27/6 chúng tôi mới nhận được phần trả lời “vô thưởng vô phạt” của Bộ Xây dựng.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Nhà ở xã hội Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) hiện tại toàn bộ sổ đỏ không khớp với hợp đồng (ví dụ căn hộ tầng 12 sổ đỏ ghi tầng 17), có phải dự án nàytừ 21 tầng đã xây thêm 5 tầng dịch vụ? Kết quả của Thanh tra Bộ Xây dựng khi kiểm tra có phát hiện được sai sót này? Nếu đúng là sai vượt tầng thêm 5 tầng dịch vụ sẽ phải xử lý như thế nào?” .
Bộ Xây dựng chỉ trả lời ngắn gọn: “Ngày 28/12/2015, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản số 6119/QHKT-TMB (P10) chấp thuận bản vẽ Tổng mặt bằng, nhà A1, A2 khối đế 5 tầng, công trình cao 25 tầng".
Trong khi, UBNDTP. Hà Nội chỉ phê duyệt chiều cao công trình là 21 tầng, việc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội tự ý cho chủ đầu tư xây thêm 5 tầng có đúng quy định không thì Bộ Xây dựng đã từng có 2 đơn vị là Cục Quản lý hoạt động xây dựng và Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã tới thẩm định và kiểm tra công trình này lại không hề đưa ra quan điểm Công ty cổ phần BIC Việt Nam thời điểm xây dựng vượt 5 tầng so với phê duyệt của UBND TP. Hà Nội là đúng hay sai.
Chúng tôi cũng đặt câu hỏi: “Được biết thời điểm dự án này triển khai, các đơn vị tư vấn thiết kế, đến nhà thầu thi công, giám sát công trình đều có những vi phạm được Thanh tra Bộ phát hiện, có biện pháp xử lý. Cụ thể các sai phạm và mức xử phạt hành chính và các biện pháp khắc phục đó như thế nào?”.
Bộ Xây dựng cho biết: Tại thời điểm kiểm tra, công trình đang triển khai xây dựng thô phần thân, có một số tồn tại, thiếu sót trong công tác lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế; công tác quản lý dự án và công tác quản lý chất lượng. Thanh tra Bộ đã yêu cầu Chủ đầu tư rà soát, chấn chỉnh để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Có thể hiểu, đây là một cách trả lời theo kiểu cho xong của Bộ Xây dựng nhưng phải mất tới hơn 1 tháng chúng tôi mới nhận được phản hồi này.
Trong câu hỏi mà chúng tôi gửi tới Bộ Xây dựng còn có việc Công ty Cổ phần BIC Việt Nam xây dựng và dự kiến sử dụng từ tầng 1 đến tầng 5 của tòa nhà làm trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, khu giải trí... có phù hợp với một dự án Nhà ở Xã hội không? Việc bố đẻ Tổng giám đốc, vợ và người thân của Phó tổng giám đốc của Công ty Cổ phần BIC Việt Nam có tên trong danh sách mua nhà ở xã hội, kết quả kiểm tra xử lý như nào cũng không được Bộ Xây dựng trả lời.
Đặc biệt, chúng tôi có đề nghị Bộ Xây dựng cung cấp Quyết định số 119/QĐ-XPVPHC ngày 8/4/2016 của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thi công công trình sai thiết kế được duyệt của Công ty Cổ phần BIC Việt Nam. Việc xử phạt này có phải là nhằm mục đích “phạt cho tồn tại hay không” cũng không được Bộ Xây dựng cung cấp và trả lời.
Tại ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị... Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trên phạm vi cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến sáu lần. Việc điều chỉnh chủ yếu theo hướng tăng số lượng tầng cao thêm, tăng diện tích sàn thương mại, bổ sung nhà ở, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật…gây áp lực lớn tới giao thông. Khu Đô thị Linh Đàm là một điển hình của việc tăng chiều cao công trình và mật độ xây dựng, phá vỡ hoàn toàn thiết kế khu đô thị kiểu mẫu ở đây. |