Phụ huynh Trung Quốc đề xuất dạy tiếng Anh từ lớp 1
Tại các thành phố lớn như Cam Túc, Tứ Xuyên và Phúc Kiến, phụ huynh đã đồng loạt gửi kiến nghị lên lãnh đạo thông qua mục Bản tin góp ý của tờ Nhân dân Nhật báo.
Gần đây, đề xuất đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy từ lớp 1 của phụ huynh Trung Quốc đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Tại các thành phố lớn như Cam Túc, Tứ Xuyên và Phúc Kiến, phụ huynh đã đồng loạt gửi kiến nghị lên lãnh đạo thông qua mục Bản tin góp ý của tờ Nhân dân Nhật báo.
Theo thông tin, một số trường tiểu học ở thành phố Lan Châu (Cam Túc) đã triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1 với thời lượng 3 buổi/tuần, trong khi các trường ở quận An Ninh và Tây Cố chỉ bắt đầu từ lớp 3. Một số nơi có giảng dạy từ lớp 1 nhưng chỉ 1 tiết/tuần, dẫn đến hiệu quả không cao. Điều này gây ra sự chênh lệch đáng kể về cơ hội học tập giữa các khu vực. Phụ huynh tại đây cho rằng, học sinh ở quận Thành Quan và Thất Lý Hà đang có lợi thế vượt trội so với các quận khác.
Tại các thành phố lớn như Cam Túc, Tứ Xuyên và Phúc Kiến, phụ huynh đã đồng loạt gửi kiến nghị lên lãnh đạo thông qua mục Bản tin góp ý của tờ Nhân dân Nhật báo. IG.
Trước ý kiến này, Phòng Giáo dục thành phố Lan Châu đã lên tiếng khẳng định rằng việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học bắt đầu từ lớp 3 là theo quy định trong Chương trình giáo dục bắt buộc năm 2022 của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các trường đủ nguồn lực, có thể triển khai dạy sớm từ lớp 1 hoặc lớp 2, tập trung vào kỹ năng nghe và nói. Hiện tại, các trường ở An Ninh và Tây Cố chưa thể đáp ứng vì thiếu giáo viên.
Tại các địa phương khác như Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hạ Môn (Phúc Kiến), tình hình cũng tương tự. Nhiều trường tại Thành Đô đã triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1 ở mức độ làm quen. Trong khi đó, các trường tại Chương Châu (Phúc Kiến) vẫn duy trì dạy từ lớp 3, dẫn đến sự bất mãn từ phụ huynh. Họ cho rằng việc học ngoại ngữ từ sớm sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn năng lực ngôn ngữ và dễ dàng hội nhập.
Trước những ý kiến này, đại diện Phòng Giáo dục Chương Châu đã ghi nhận và cam kết khảo sát nguồn lực giáo viên để xem xét khả năng mở lớp tiếng Anh bổ trợ hoặc tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ ý tưởng này. Một số ý kiến cho rằng, thời điểm lớp 1 là giai đoạn trẻ làm quen với tiếng mẹ đẻ, việc học thêm một ngôn ngữ mới có thể gây áp lực và ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Dù còn nhiều tranh luận, đề xuất này cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc cải thiện chất lượng giáo dục ngoại ngữ tại Trung Quốc. Việc cân nhắc giữa lợi ích và thách thức để đảm bảo tính công bằng trong giáo dục vẫn là bài toán cần lời giải từ các nhà quản lý và chính quyền địa phương.