Phóng viên Nguyễn Ngân và 3 tháng nhập vai phụ nữ mang thai hộ

28-05-2019 14:51:43

Nguyễn Ngân cho rằng, 3 tháng chưa là gì so với đường dây hoạt động rất tinh vi và có thể còn nhiều góc khuất, tiềm ẩn đằng sau.

Khi quyết định thực hiện vệt đề tài này, Nguyễn Ngân đã xác định không có nhiều hy vọng vì thực tế quá khó tiếp cận. Bên công an không thể cung cấp bất cứ số điện thoại nào hay nhân vật nào, vì công tác điều tra những đường dây mang thai hộ bị triệt phá kia vẫn đang diễn ra. Điều đó đồng nghĩa với việc, phóng viên phải tự tìm tòi, kết nối.

Thực tế Nguyễn Ngân đã có thông tin về đường dây mang thai hộ khoảng 2 năm nay nhưng không phải có ý tưởng là triển khai được luôn. Sau khi một đường dây ở Quảng Ninh bị triệt phá, cô mới tiếp cận được hai phụ nữ trong đường dây và được họ chỉ cho cách thức hoạt động của các môi giới cũng như chỉ cho một vài hội, nhóm kín trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để có thể tham gia được nhóm kín đó thì phải có người giới thiệu.

Cuối cùng bằng nhiều cách, nữ phóng viên đã nhờ được người giới thiệu và tham gia nhóm kín - một trong những nhóm mà các đối tượng môi giới và người có nhu cầu mang thai hộ hoạt động.

Sau khi kết nối với một vài đối tượng môi giới, họ luôn luôn đòi gửi ảnh thật, một số lần, họ còn yêu cầu gọi điện thoại video để họ tin tưởng. Lúc đó, nữ phóng viên buộc phải gửi ảnh thật của mình.

Sau rất nhiều cuộc trò chuyện trên mạng, qua điện thoại và dần tạo sự tin tưởng, Nguyễn Ngân đã có nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp các môi giới trong vai một phụ nữ muốn mang thai hộ, rồi gặp gỡ cả những phụ nữ giàu có hiếm muộn mong muốn có con.

"Việc nhập vai rất phức tạp, trong tất cả các lần gặp tôi đều gặp ở ngoài và đeo khẩu trang. Tôi có lợi thế là phần đông tâm lý những người mang thai hộ đều muốn giữ kín thông tin cá nhân và giữ bí mật với những người xung quanh. Vì thế, tôi có thể lấy lý do đó để giải thích cho việc mình đeo khẩu trang" – Nguyễn Ngân kể.

Sau nhiều lần tưởng chừng phải dừng lại, cuối cùng, Nguyễn Ngân đã được một người môi giới nhận đưa sang Trung Quốc để mang thai hộ. Trước đó, để kết nối được người này, nữ phóng viên đã mất khoảng gần 1 tháng.

Lúc đó, cô đã trao đổi với lãnh đạo cơ quan và phía công an về phương án đi sang Trung Quốc trong vai người có nhu cầu mang thai hộ theo con đường không chính ngạch như vậy. Tuy nhiên, phương án này đã bị từ chối. Điều đó đồng nghĩa sẽ không thể có hình ảnh ở bên Trung Quốc.

Lúc đó, nữ phóng viên tự đặt câu hỏi: "Vậy bây giờ, mình sẽ có những hình ảnh thuyết phục bằng cách nào? Hay chỉ dừng lại ở những hình ảnh các trang mạng, quá trình gặp gỡ môi giới, đi kiểm tra sức khỏe ở Việt Nam?…". Thực ra, đến đây cũng đã có chuyện để phản ánh nhưng với Nguyễn Ngân, nó vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Và thế là, nữ phóng viên quyết định lên rất nhiều phương án khác nhau để không đi qua biên giới nhưng vẫn có được hình ảnh "đắt".


Người lái xe ôm này là một mắt xích trong đường dây, chuyên chở các phụ nữ qua biên giới. Ông này là một người địa phương, thông thạo địa hình. Khi chở phụ nữ đến sát hàng rào biên giới, ông này sẽ gọi cho đầu mối bên kia ra đón.

Trước ngày hẹn với môi giới để lên đường sang Trung Quốc, Nguyễn Ngân đã một mình bắt xe khách lên Lạng Sơn vài lần để tìm hiểu trước một số địa điểm. Cô đã xin với cò môi giới cho đi chung với một người khác vì rất sợ. Họ không đồng ý và hứa hẹn sẽ thưởng thêm tiền nếu đi luôn. Sau vài ngày lần lữa, phía môi giới đồng ý cho Nguyễn Ngân đi cùng một phụ nữ sinh năm 1990 ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến ngày đi, phụ nữ kia lại lùi lại một ngày và còn một mình Ngân. Ngày hôm đó, một phóng viên quay phim và một lái xe đã đi cùng nhưng không thể xuất hiện, mà chỉ có thể hỗ trợ từ xa cho nữ đồng nghiệp. Cô được phía môi giới dặn dò: "Không được nói chuyện với bất cứ ai, ai hỏi gì không nói, ai cho gì không ăn, đến bất cứ chỗ nào cũng phải chụp ảnh".

Không có cô gái ở Thanh Hóa kia đi cùng, một mặt Nguyễn Ngân rất sợ nên lưỡng lự khi phải đi một mình, một mặt cô lại rất cần hình ảnh những đoạn đường tiểu ngạch ở biên giới - trước nay đã nói rất nhiều nhưng chưa có hình ảnh.

Dù run đến đâu, sợ như thế nào nhưng bản lĩnh, kinh nghiệm và sự linh hoạt trong xử lý tình huống của một phóng viên điều tra vẫn giúp cô tìm cách quay trở lại khi đến giữa đường. Vậy là, cô đã có những hình ảnh đầy chân thật và thuyết phục về con đường tiểu ngạch ở biên giới cho vệt phóng sự của mình.

Khi Nguyễn Ngân quay trở lại và gặp cô gái quê ở Thanh Hóa, hai chị em đã ăn chung một bữa cơm và tâm sự với nhau rất nhiều chuyện. Cô gái kia đã nói dối mẹ là đi xuất khẩu lao động (chứ không phải đi đẻ thuê). Một năm, cô sẽ mang một số tiền (khoảng 350 triệu đồng như hứa hẹn của môi giới) trở về thì gia đình cũng sẽ tin là đi xuất khẩu lao động. Vợ chồng ly hôn, ở nhà còn 2 đứa con để lại cho ông bà chăm.

"Lúc này, bản thân tôi lại một lần nữa tự đấu tranh với chính mình. Là phóng viên, mình cần hình ảnh nên sẽ mặc kệ cho cô ấy đi và mình sẽ có hình ảnh "đắt" nhất là cô ấy trèo qua hàng rào biên giới. Nhưng ngược lại, là phóng viên, tôi thấy mình không thể để cô ấy tham gia vào đường dây vượt biên trái phép để đi mang thai hộ này" - Nguyễn Ngân chia sẻ đầy cảm xúc - "Tôi đã tìm cách thuyết phục cô ấy ở lại".

"Sau cuộc nói chuyện đó, tôi đã thuyết phục được cô ấy ở lại bằng cách hứa sẽ giúp cô ấy tách khẩu khỏi chồng sau ly hôn. Tôi dặn cô ấy đến hàng rào biên giới sẽ lấy lý do đau bụng để quay về. Trên đường đi vào đường rừng, cô gái kia đã bắt đầu sợ".

Trong đoàn người từ Trung Quốc về, quan sát thấy có một cô gái có xe ôm chờ sẵn nên trong lúc người lái xe ôm kia không để ý, Nguyễn Ngân đã tìm lý do nhờ cô gái kia cho đi nhờ xe. "Đến khi chạy ra đến tận đường to, hai chị em vẫn run" – cô nhớ lại.

Trở về, cô gái quê Thanh Hóa kia sợ tới mức không dám nghĩ lại chuyện mới xảy ra. Lúc đó, Nguyễn Ngân đã nói với cô gái ấy rằng mình là một phóng viên. Như lời hứa, cô đã nhờ mọi người giúp cô ấy tách khẩu và đưa cô ấy đến ngôi nhà bình yên. Sau này, cô gái này là nhân vật quan trọng trong vệt phóng sự đường dây mang thai hộ.

Khi nhập vai và trở thành một phần trong những phụ nữ ấy, Nguyễn Ngân biết mọi người đến con đường này đều vì kinh tế: nợ nần, vợ chồng ly hôn, bố mẹ ốm, con ốm… Lúc đó, cô chỉ nghĩ một điều giá như mình đưa được nhiều thông tin đến nhiều phụ nữ hơn để họ hiểu hơn về đường dây mà họ định tham gia, ngoài lời hứa hẹn đẹp đẽ mà các đối tượng môi giới đang vẽ ra cho họ.

Biết bao những người phụ nữ Việt Nam chờ đợi cơ hội đổi đời từ những đường dây như thế này, nhưng họ không có thông tin gì về môi giới, không biết mặt, số điện thoại, tài khoản facebook, zalo của các đối tượng đó cũng là ảo.

Việc thuyết phục được các nhân vật đồng ý trả lời phỏng vấn cũng là một thử thách rất lớn với phóng viên, ngay cả cô gái quê Thanh Hóa được Nguyễn Ngân đưa về. Tuy nhiên, khi cô ấy đồng ý, những phỏng vấn của cô ấy lại rất "đắt". Cô ấy đã chia sẻ, giãi bày tất cả điều sâu kín, trăn trở khi phải đứng trước lựa chọn cuộc đời.

Nguyễn Ngân thú nhận, dù làm phóng sự điều tra cũng nhiều nhưng cô không phải người gai góc, sắc sảo: "Tôi muốn có được sự thấu hiểu từng nhân vật trong phóng sự, dù họ có là ai thì mình cũng không làm tổn thương họ. Vì thế phải vô cùng thận trọng!".

Phía sau những hình ảnh điều tra đầy thuyết phục và chân thực, nữ phóng viên đã không ít lần rơi nước mắt.

Trong vai một phụ nữ từ quê ngơ ngác và vạ vật ở bến xe Lạng Sơn, Nguyễn Ngân được một thanh niên đi lao động trái phép ở bên kia trở về, hướng lại gần và khuyên rất chân thành. "Đừng đi sang đó. Em có thể đi làm thuê, bán hàng thuê, còn hơn đi sang bên kia" - người thanh niên tìm mọi cách thuyết phục. Sau này, anh quay phim đã trêu Nguyễn Ngân và gọi đó là "mối tình biên giới".


Trong vai phụ nữ mang thai hộ, Nguyễn Ngân và cô gái quê Thanh Hóa được đưa đến hàng rào biên giới. Phía bên kia đã có một phụ nữ đứng đón sẵn.

Sau khi phóng sự đầu tiên trong vệt đề tài này được phát sóng, trên nhóm kín 10.000 thành viên đó, tất cả thông tin cá nhân, hình ảnh, số điện thoại của Nguyễn Ngân đã bị các đối tượng môi giới lùng sục và đưa lên nhóm. Buổi sáng đầu tiên, cô nhận không biết bao nhiêu tin nhắn, điện thoại với những lời lẽ đe dọa.

Nguyễn Ngân cho rằng, 3 tháng chưa là gì so với đường dây hoạt động rất tinh vi và có thể còn nhiều góc khuất, tiềm ẩn đằng sau. Sau khi phóng sự lên sóng, họ có thể lắng xuống một chút nhưng sau đó lại hoạt động với cách thức còn tinh vi và thận trọng hơn. Vì thế, cô và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục phải tìm hiểu, điều tra…

Bài viết:  Đinh Hương

Thiết kế:  Minh Thu

Ảnh:  Long Trần

 

 

Theo VTV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //