Phi công người Anh không cần ghép phổi
Với sự tiến triển như hiện tại của bệnh nhân, có thể thời gian để bỏ hoàn toàn máy thở sẽ ngắn hơn, tiên lượng không cần phải ghép phổi.
Bệnh nhân phi công người Anh đang được các bác sĩ BV Chợ Rẫy chăm sóc.
Thông tin từ Tiểu ban điều trị- Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, sức khoẻ nam phi công người Anh (BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục những chuyển biến tích cực.
Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, ngưng lọc máu từ ngày 27/5.
Hiện tại bệnh nhân tỉnh, nhớ được cả mật khẩu của điện thoại và iPad của mình. Người bệnh vận động hai chi trên dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại. Tiếp xúc tốt, sức cơ 2 chân còn yếu. Bệnh nhân còn khó thở khi gắng sức. Sức cơ hô hấp có cải thiện.
Bệnh nhân đang tập cai máy thở, thời gian bỏ máy tập thở dài hơn, nhưng tối vẫn cần thở máy hỗ trợ để giảm tình trạng yếu cơ.
Chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt.
BN91 trải qua 87 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta). Trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay.
Ngày 12/6, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời gian tới, phi công người Anh sẽ được ngưng kháng sinh khi đã đủ liều, tiếp tục tập bỏ máy thở, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tập vận động phục hồi chức năng tích cực và phòng ngừa các nguy cơ nhiễm trùng mới.
Sau đó bệnh nhân sẽ được đánh giá việc rút cannule mở khí quản sau khi đã bỏ được máy thở để bệnh nhân có thể giao tiếp trở lại bằng lời nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự tiến bộ hiện tại của bệnh nhân, có thể thời gian cần cho việc bỏ hoàn toàn máy thở sẽ ngắn hơn như đã tiên lượng trước đó và không cần phải ghép phổi.