Phát hiện xúc tu nguy hiểm trong cấu tạo của virus gây Covid-19
Việc phát hiện các xúc tu nguy hiểm trong cấu tạo của virus gây Covid-19 cho phép xác định một số loại thuốc có thể được sử dụng trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.
Sputnik News đưa tin, các nhà khoa học đến từ Đại học California, Mỹ vừa phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), virus gây đại dịch Covid-19, dùng cơ chế hoạt động vươn các xúc tu (tua cảm) tấn công các tế bào khác để lây nhiễm nhanh chóng trong cơ thể người.
Theo Giáo sư Nevan Krogan, nhà sinh học phân tử đứng đầu nhóm nghiên cứu, các tế bào của virus có những sợi xúc tu "nguy hiểm, độc hại" có thể đâm xuyên qua vỏ của tế bào khác.
Thông tin đăng tải trên Financial Times, "Giả thuyết đặt ra chính là cơ chế đâm xuyên của những sợi tua cảm này làm tăng tốc độ lây nhiễm", giáo sư Nevan Krogan cho biết.
Các tế bào của virus corona chủng mới có những sợi xúc tu "nguy hiểm, độc hại"
Theo các nhà khoa học, hầu hết các loại virus không tạo ra xu thế nhân bản, tăng trưởng của những "xúc tu" như vậy. Do đó, phát hiện này cho phép xác định một số loại thuốc có thể được sử dụng trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2, trong khi hầu hết số thuốc này trước đây được phát triển để điều trị ung thư, nghiên cứu nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vắcxin chống virus này. Các nghiên cứu gần đây phát hiện kháng thể Covid-19 trong máu bệnh nhân hồi phục có thể biến mất trong vòng 2-3 tháng nên những loại vắcxin kích kháng thể có thể không hiệu quả.
Số liệu cập nhật trên trang Worldometers, tính đến 10h sáng ngày 29/6, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là hơn 10,2 triệu trường hợp, trong đó hơn 504.000 ca đã tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 5.546.449 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.