Phát hiện loại gene gây bệnh tay chân miệng có trong tất cả mọi người
Nghiên cứu mới đây cho thấy bệnh tay chân miệng và các biến chứng nguy hiểm của nó thực chất liên quan đến một loại gene có trong tất cả mọi người.
Bệnh tay chân miệng và các biến chứng nguy hiểm của nó thực chất liên quan đến một loại gene có trong tất cả mọi người
Gần đây, một nghiên cứu đã phát hiện ra khóa gen trong cơ thể người gây nhiễm virus bệnh tay chân miệng. Theo đó, nhà vi sinh học hàng đầu của Đại học HongKong là giáo sư Yuen Kwok-yung đã xác định rằng gene hWARS là thụ thể cho phép enterovirus-A71 (EV-A71) xâm nhập vào tế bào và gây bệnh tay chân miệng, theo South China Morning Post.
EV-A71 là một trong những loại virus có thể dẫn đến bệnh tay chân miệng - một bệnh phổ biến ở trẻ em. Bệnh nhân thường có các biểu hiện như sốt, xuất hiện các đốm nhỏ màu đỏ, mụn nước trên lưỡi, nướu răng và bên trong má. Căn bệnh này có thể gây thành dịch lớn. Một số ca để lại những biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.
Ở Hồng Kông, trung bình khoảng 2.000 đến 5.000 trường hợp tay chân miệng được ghi nhận hàng năm từ năm 2010 đến năm 2017. Giáo sư Yuen ước tính khoảng 5 đến 10% trong số những trường hợp này là do nhiễm EV-A71. Loại virus này cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm não và thậm chí tử vong.
Trước đây, các nhà khoa học không lý giải được vì sao một số bệnh nhân tay chân miệng lại có biến chứng nghiêm trọng như vậy. Tuy nhiên, nghiên cứu của giáo sư Yuen Kwok-yung đã phần nào lý giải được vấn đề.
Có mặt trong tế bào của tất cả mọi người, gene hWARS từ trước đến nay thường được cho là một loại gene bình thường, không gây nguy hại. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình cùng cộng sự, giáo sư Yuen phát hiện những người có gen hWARS ngừng hoạt động khi virus xâm nhập thường không bị bệnh tay chân miệng. Ngược lại, những người mà gene hWARS vẫn hoạt động thì có nguy cơ cao phát bệnh.
Bên cạnh EV-A71, các bệnh gây ra bởi tám loại virus khác nhau cũng được ngăn chặn đáng kể khi gene hWARS ngừng hoạt động.
Giáo sư Yuen Kwok-yung
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy khi cơ thể con người tạo ra một loại protein có tên là interferon gamma trong quá trình nhiễm virus, nó có thể dẫn đến tăng sản lượng gene hWARS, do đó giúp EV-A71 xâm nhập vào tế bào.
Giáo sư Yuen Kwok-yung giải thích: “Cơ thể tạo ra protein interferon gamma nhằm kiểm soát các virus. Nhưng virus đã lợi dụng loại protein này để làm chất dinh dưỡng cho chúng, số lượng virus tăng lên cũng đồng nghĩa với việc xâm nhập dễ dàng hơn".
Nghiên cứu trên cũng chứng minh việc sử dụng immunoglobulin tĩnh mạch để chữa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tay chân miệng hiện nay là chính xác. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn hy vọng có thể phát triển loại thuốc ngăn chặn hWARS hoạt động để giảm nguy cơ virus tay chân miệng xâm nhập tế bào trong 10 năm tới.
Xem thêm video: Ước mơ mua nhà cho mẹ của thạc sĩ đột nhập nhà công an trộm tiền