Phản đối BOT Biên Hòa, tài xế dùng tiền xu để trả phí

09-09-2017 20:11:27

Nhằm phản đối việc thu phí ở trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa, các tài xế đã dùng tiền xu, tiền lẻ để trả phí khiến tuyến đường bị ùn ứ.

Tài xế dùng tiền xu để trả phí qua BOT Biên Hòa. Ảnh Người Lao Động

Khảng 17h chiều 9/9, nhiều tài xế khi qua trạm thu phí đường tránh TP Biên Hòa (đặt tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng mua vé. Thậm chí, có tài xế dùng tiền xu để mua vé.

Lý giải về việc dùng tiền lẻ qua trạm, nhiều tài xế cho rằng, họ dùng cách này để phản đối việc trạm thu phí đặt sai chỗ. Cánh tài xế mong muốn trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa phải dời về đặt trên tuyến tránh, không đặt trên Quốc lộ 1A như hiện tại.

Hay là những đồng tiền có mệnh giá từ 200 -500 đồng để phản đối thu phí. Ảnh PLO

Bức xúc bởi mỗi tháng mất gần chục triệu đồng tiền phí, ông Năm chia sẻ: “Xe chưa từng lăn bánh km nào trên đường tránh, chỉ đi trên Quốc lộ 1A mà mỗi tháng vẫn phải gánh cả chục triệu đồng tiền phí. Chịu đựng mãi cũng phải lên tiếng thôi, chúng tôi không thể chấp nhận được nữa, yêu cầu trạm phải đem về đường tránh đặt cho đúng chỗ”.

Các tài xế cho rằng mức phí quá cao nên họ mới dùng cách lấy tiền xu và tiền lẻ để mua vé. Ảnh NLĐ 

Sở dĩ các tài xế làm như vậy bởi họ cho rằng mức phí quá cao và vị trí đặt trạm bất hợp lý nên cho xe né trạm khiến nhiều tuyến đường trong xã hư hỏng, gây xáo trộn cuộc sống người dân khu vực.

Do nhiều tài xế mua vé bằng tiền lẻ, cộng với giờ cao điểm công nhân Khu công nghiệp Bàu Xéo trên địa bàn qua lại nên tuyến quốc lộ 1 hướng từ TP HCM - Bình Thuận kẹt xe. Tình trạng kẹ xe kéo dài khoảng 15 phút thì các nhân viên của trạm thu phí buộc phải xả trạm để thông xe. 

Các tài xế dùng tiền lẻ, tiền xu qua trạm khiến tuyến đường bị ùn tắc giao thông. Ảnh NĐT

Được biết, tuyến tránh TP.Biên Hòa (tuyến đường được xây dựng nhằm chia sẻ, giảm bớt lượng xe lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua TP.Biên Hòa) do công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dài hơn 12km.

Minh Ngân (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //