Ông Lê Thanh Thản: Từ một chiến sĩ thông tin đến "đại gia điếu cày" nghìn tỷ
Ít ai biết rằng trước khi trở thành "đại gia điếu cày" ông Lê Thanh Thản từng là một chiến sĩ thông tin, một cán bộ địa phương ở Lai Châu.
Trước khi trở thành đại gia điếu cày, Ông Lê Thanh Thản làm gì?
Sinh năm 1949 ở Nghệ An, ông Lê Thanh Thản từng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch giải phóng Huế và toàn bộ miền Nam với tư cách một chiến sỹ thông tin.
Năm 1982, ông Thản được tổ chức đưa lên Lai Châu, một trong những địa phương có tình hình khá phức tạp. Khi đó, nhiệm vụ của ông Thản là để nắm dân, tăng cường cán bộ cho địa phương. Tuy nhiên, ông không đi theo con đường quan lộ mà lựa chọn làm kinh tế.
Những ngày đầu làm kinh tế, với vai trò Phó chánh văn phòng Huyện ủy, ông lập ra đội sản xuất, quy tụ những người lao động khỏe mạnh vào để đảm nhận việc xây dựng các công trình cho địa phương. Bất kỳ cơ hội nào để kiếm tiền ông đều nắm lấy, từ đúc gạch ngói, buôn bán nông lâm sản cho đến việc nhận thầu xây dựng các tuyến đường.
Ông Lê Thanh Thản từng từ bỏ con đường quan lộ để làm kinh tế. Ảnh: Vietnamnet
Sau một thời gian tích góp, đến đầu những năm 1990, ông Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, chính thức trở thành một doanh nhân, một chủ doanh nghiệp tư nhân, không liên quan gì đến người nhà nước.
Một trong những thương vụ khác khiến nhiều người ngưỡng mộ là việc ông nhập về Việt Nam một lô lớn các hàng hóa như xe Honda Dream - một trong những mặt hàng "hot" của thập kỷ 90 mà không mất thuế.
Một bước ngoặt khác, quan trọng trong sự nghiệp của ông Thản là vào năm 1994, ông khánh thành khách sạn đầu tiên tại Điện Biên Phủ. Đến năm 1996, ông nhượng lại khách sạn này cho tỉnh Lai Châu và xây dưng khách sạn Mường Thanh Điện Biên. Đây là khách sạn Mường Thanh đầu tiên trong hệ thống 45 khách sạn Mường Thanh hiện nay.
Sau một thời gian lập nghiệp, năm 2000, ông Thản bắt đầu được nhiều người biết đến khi ông đặt chân vào thị trường bất động sản Hà Nội.
Ông Thản quyết định dồn tiền để mua 1 mảnh đất ở khu đô thị Linh Đàm, xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.
Cái tên Lê Thanh Thản chỉ thực sự được biết đến khi ông thâu tóm 21ha đất ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội để xây dựng khu đô thị Xa La.
Sau đó, cái tên "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản được nhiều người biết đến nhờ những dự án nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp.
Ông Lê Thanh Thản - Ông "trùm" của dự án nhà giá rẻ
Ông Lê Thanh Thản hiện sở hữu 3-5 khách sạn 5 sao ở nhiều tỉnh thành trên đất nước. Tuy nhiên, phải tới khi ông bắt đầu triển khai các dự án nhà ở tại Hà Nội thì tên tuổi của Tập đoàn Mường Thanh - do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch mới thực sự được chú ý.
Tới năm 2012, Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) được nhiều người biết đến hơn khi bắt đầu mở bán chung cư Đại Thanh với giá chỉ 10 triệu đồng/ m2.
Mức giá siêu "hạt rẻ" này lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, bởi thế nên chỉ sau một khoảng thời gian ngắn hàng nghìn căn hộ tại dự án Đại Thanh giao dịch thành công.
Ông Lê Thanh Thản được ví như một "ông trùm" nhà giá rẻ. Ảnh: Tri Thức trẻ
Sau đó, công ty của vị đại gia điếu cày này bị đồn là khó khăn về tài chính song ông bỏ qua dư luận và tiếp tục mua lại nhiều dự án đang chậm tiến độ. Ông Thản tiến hành nhiều dự án nhà giá rẻ với mức giá gốc chỉ 15 triệu đồng quanh khu vực Linh Đàm, vành đai 3. Mỗi lần ông Thản cho ra sản phẩm mới lại tạo nên những cơn sốt giao dịch.
Nhiều sàn bất động sản, môi giới "sống khỏe" nhờ vào các dự án chung cư của ông Thản. Dù được coi là nhà giá rẻ, người mua không thể tiếp cận giá gốc của chủ đầu tư mà phải thông qua các sàn trung gian và chịu thêm giá chênh từ 2 đến 5 triệu đồng/ m2. Không ít nhà đầu tư đã giàu lên nhờ đầu tư vào những dự án của ông Thản và thu chênh lệch 100-300 triệu đồng chỉ sau vài tuần đến vài tháng.
Trong bối cảnh không ít đại gia bất động sản sa lầy với hàng loạt dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư, nhà thầu mắc kẹt giữa tiền vay ngân hàng, tiền trả nhân công, tiền mua vật liệu…, việc bán hàng "thần tốc" với hàng nghìn căn hộ trong thời gian ngắn của Điện Biên trở thành "hiện tượng" trên thị trường.
Nhiều chuyên gia từng cho rằng, doanh nghiệp của ông Lê thanh Thản đã mở ra một trào lưu, hướng đi mới nhằm giải quyết bế tắc cho các chủ đầu tư trong giai đoạn thị trường khủng hoảng. Không ít chủ đầu tư sau đó cũng chuyển hướng sang phân khúc này để tìm ra lối thoát.
Đại gia điếu cày Lê Thanh Thản giàu cỡ nào?
Thực ra, chưa từng có một thống kê nào về khối tài sản của gia đình ông Lê Thanh Thản bởi phần lớn đều nằm dưới dạng tài sản sở hữu của doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn gia đình và khó có thể định giá chính xác.
Phần tài sản được công khai chính là số cổ phiếu mà ông cùng con gái Lê Thị Hoàng Yến và con rể đang nắm giữ tại Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông (PDC) với hơn 7 triệu cổ phiếu, tương đương gần 47%, hiện có giá trị khoảng 40 tỷ đồng.
Đại gia Lê Thanh Thản hiện đang sở hữu khối tài sản hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Vnexpress
Song, đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong khối tài sản của ông Thản. Hiện tại ông đang nắm trong tay hệ thống Mường Thanh với khoảng 45 khách sạn lớn nhỏ trên khắp cả nước tương đương khoảng 10% nguồn cung trên thị trường.
Hệ thống Mường Thanh của vị đại gia này phát triển mạnh mẽ, không còn nằm ở ven các vùng đô thị nữa mà giờ đây rất nhiều khách sạn của ông đã "xâm nhập" được vào các vị trí đắc địa như Mường Thanh Hạ Long, Mường Thanh Cần Thơ (xây dựng vào năm 2015 trên khu đất ngay tại vị trí đắc địa trước vòng xoay Cồn Cái Khế và là tòa nhà cao nhất thành phố Cần Thơ với 27 tầng)....và mới đây nhất đã vươn ra nước ngoài với dự án Mường Thanh Luxury Vientiane tại Lào.
Khách sạn Mường Thanh Hạ Long Ảnh: Vnexpress
Đến năm 2016, Tập đoàn Mường Thanh bất ngờ thâu tóm tóm Cienco5 Land và là doanh nghiệp tiếp tục đến bù cho người dân tại Hà Nội để phát triển khu đô thị sinh thái Thanh Hà rộng 600 ha. Vụ chuyển nhượng được ước tính lên tới vài ngàn tỷ đồng, trong đó bao gồm tiền để mua lại Cienco 5 Land và vài ngàn tỷ đồng khoản nợ Mường Thanh sẽ đứng ra trả thay cho Cienco 5 Land.