Những điều "không thấy không ai tin" về ông chủ nhà trọ giá bằng "nửa bát phở" sát BV Nhi

29-01-2017 07:00:03

10 năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân sang, ông Nguyễn Thế Hiệp lại tổ chức đón Tết cho những vị khách đặc biệt ngay chính tại khu nhà trọ của mình.

Nhà trọ giá chỉ bằng nửa bát phở

Có mặt tại khu nhà trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp (ngõ 879 La Thành, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) vào một ngày giáp Tết Nguyên Đán, thế nhưng nơi này vẫn còn rất đông người nhà bệnh nhân đang lưu trú. Có người ở được vài ngày, có người đã ở cả năm nhưng tất cả có một điểm chung đó là hoàn cảnh đều rất khó khăn.

Tấm biển quảng cáo dẫn vào khu nhà trọ giá "siêu rẻ" của ông Hiệp. Ảnh: Ngọc Ánh.

Tại khoảng sân sinh hoạt chung của bà con xóm trọ, tôi thấy ông Hiệp ăn mặc giản dị ngồi uống nước cùng người thuê, không hề có chút phong thái của một ông "giám đốc" khu trọ.

Mặc dù đang tất bật với công việc nhưng ông Hiệp vẫn niềm nở đón khách. Ông bảo: “Dù có bận việc gì nhưng cứ có người của cơ quan báo đài đến là tôi phải tận tình tiếp đón”.

Ông Hiệp trước kia vốn là bộ đội, năm 2007, ông trở về và mở dãy nhà trọ, giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Dãy nhà trọ của ông có 40 phòng, trong đó 3 phòng diện tích lớn phục vụ khoảng 80 người/ngày, với giá 15.000 đồng/người/ngày. Giá này chỉ bằng “nửa bát phở” ở Hà Nội.

Quan sát cho thấy, nhà trọ của ông Hiệp đều được trang bị đầy đủ tivi, quạt, điều hòa, bình nước nóng lạnh, có khu vệ sinh riêng sạch sẽ.

Dù đã là những ngày cuối năm nhưng nhà trọ của ông Hiệp vẫn đón rất nhiều bệnh nhân đến trọ. Ảnh: Ngọc Ánh.

Khu nấu ăn có đủ bát đũa, rổ rá, bếp gas, giúp người nhà bệnh nhân có thể tự nấu ăn vừa sạch vừa tiết kiệm mà đảm bảo sức khỏe.

Tất cả đồ dùng sinh hoạt đều do ông Hiệp tự bỏ tiền ra mua, cho mượn thoải mái, không tính phí. 

Chia sẻ về lý do quyết định thành lập khu nhà trọ giá rẻ dành cho bệnh nhân ông Hiệp tâm sự: “Tôi sống ở gần bệnh viện Nhi Trung Ương ngót 60 năm, đã chứng kiến không biết bao nhiêu hoàn cảnh éo le của những người từ phương xa lên Thủ đô để chữa bệnh. Rất nhiều người không có tiền nhưng vẫn bị chặt chém với giá cao ngất ngưởng ở những phòng trọ gần đó. Có những người thì đưa con lên chữa bệnh nhưng lơ mơ không biết rõ quy trình, để lâu bệnh tình thêm nặng lên tôi quyết định lập khu nhà trọ giá rẻ này đồng thời kiêm luôn công việc hướng dẫn người nhà bệnh nhân làm các thủ tục chữa trị sao cho nhanh nhất”.

Ông Nguyễn Thế Hiệp bên những bài báo viết về mình. Ảnh: Ngọc Ánh.

Chia sẻ về người chủ trọ tốt bụng, vợ chồng anh Sinh (SN 1995, người dân tộc H’Mông ở Trạm Tấu, Yên Bái) không giấu được sự cảm phục: “Con em bị bệnh, phải lên chữa trị ở đây. Mới lên Hà Nội lần đầu nên 2 vợ chồng không biết gì. May sao gặp bác Hiệp, bác hướng dẫn làm thủ tục khám bệnh, cho ở miễn phí, lại kêu gọi quyên góp giúp đỡ vợ chồng em”.

Ông Hiệp đang trò chuyện cùng với người nhà bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Ánh.

Hằng ngày, người ta vẫn thường thấy một người đàn ông mang tờ rơi đi khắp Bệnh viện Nhi mà “quảng cáo” về khu trọ 15.000 đồng của mình. Có người không tin, có người nghi ngờ ông là “cò mồi”, lôi kéo khách ăn tiền.

“Nhiều người nghĩ tôi làm thế để ăn tiền “cò”, nhưng làm việc thiện phải xuất phát từ tâm. Những người có lòng, họ có biếu tôi khi thì mấy cái bánh, có khi là bó rau cải mèo Điện Biên, đặc sản quê hương, đều rất quý. Đấy là cái tình giữa người với người chứ tôi chưa bao giờ ra điều kiện hay cho rằng phải được trả ơn”, ông chủ xóm trọ giá rẻ nói.

Đôi vợ chồng người H'Mông được ông Hiệp giúp đỡ. Ảnh: Ngọc Ánh.

Tưởng như 15.000 đồng đến 25.000 đồng/người/ngày đã là rẻ lắm rồi, nhưng có những trường hợp quá khó khăn như các cháu bé bị ung bướu, chạy thận, ông Hiệp còn giảm giá hết mức để gia đình các cháu có thể theo đuổi chạy chữa.

Không những thế, có nhiều trường hợp cấp bách, ông Hiệp còn bỏ tiền túi ra cho người ở trọ vay tiền mà không lấy lãi, cũng không cần đặt gì làm tin khi họ gặp khó khăn.

"Tôi cho cả trăm người vay rồi, nhưng không bao giờ lấy lãi. Tôi tin rằng người tốt còn rất nhiều. Chưa có ai quỵt nợ hay bùng tiền của ông già này cả”, ông Hiệp chia sẻ.

10 năm đón Tết cùng người nhà bệnh nhân

Hà Nội những ngày cuối năm thưa vắng người đi lại, đường phố đã thông thoáng hơn những ngày thường rất nhiều. Dọc hai bên vệ đường chỉ thấy nào đào, nào quất. Cảnh Tết đến, xuân sang tràn ngập trên khắp các con phố.

Khi nhiều người đang rục rịch gói ghém đồ đạc về quê để tận hưởng một cái tết sum vầy thì cũng là lúc ông Nguyễn Thế Hiệp – người được biết đến như ông tiên, ông bụt thời hiện đại, chủ của dãy nhà trọ siêu rẻ dành cho bệnh nhân nghèo cũng tết bật chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị rượu, trà, bánh mứt cho những bệnh nhân trọ tại nhà ông có một cái tết sum vầy, ấm áp.

Suốt 10 năm qua, ông Hiệp đều đón Tết với bệnh nhân tại nhà trọ của mình. Ảnh: Ngọc Ánh.

Mặc dù thời khắc năm mới đã sang nhưng trong dãy nhà trọ 40 phòng của gia đình ông Hiệp vẫn rất ồn ã. Con ngõ sâu đi vào nhà ông đã được trang hoàng tươm tất, quất, đào, dàn đèn nháy cũng đã được ông chuẩn bị đâu vào đấy để người nhà bệnh nhân không có cơ hội về quê có được 1 cái Tết ấm cúng hơn.

Hằng ngày, ông Hiệp vẫn bận rộn với việc tư vấn, cũng như kêu gọi các tổ chức từ thiện giúp đỡ những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn những mong san sẻ phần nào nỗi lo lắng với người bệnh.

Khách trọ xem lại những thước phim về ông Hiệp. Ảnh: Ngọc Ánh.

Biết rằng việc chữa bệnh cứu người rất cần kíp nên dãy trọ nhà tôi mở cửa cả ngày Tết, hơn nữa trong những ngày này, bệnh nhân đến trọ còn được tôi giảm giá tới mức "kịch sàn".

"Ai cũng muốn có một cái tết sum vầy cùng gia đình, với những bệnh nhân không thể xuất viện về quê ăn tết nên nhiều người có tâm trạng rất buồn. Cũng chính vì thế nên năm nào tôi cũng sắp xếp công việc để tổ chức cho họ một cái Tết chu đáo nhất có thể. Chỉ hy vọng họ sẽ cảm thấy bớt tủi thân trong những ngày này”- ông Hiệp chia sẻ.

Không chỉ giúp đỡ người bệnh, Ông Hiệp còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Ảnh: Ngọc Ánh.

Ông Hiệp chuẩn bị tất cả mọi thứ, từ kẹo, mứt, nước ngọt, không thiếu một thứ gì. Để tạo thêm không khí cho ngày Tết, ông Hiệp còn tổ chức gói và luộc bánh chưng.

“Chứng kiến nụ cười lạc quan, niềm vui của khách trọ, tôi cũng có cảm giác như đang được đón tết với những người thân”, ông Hiệp tâm sự.

Ông Hiệp bên cuốn sổ ghi lại số điện thoại của người nhà bệnh nhân và các cơ quan đoàn thể. Ảnh: Ngọc Ánh.

Lại một năm nữa trôi qua, người chủ nhà trọ tốt bụng cũng đã bước sang tuổi 70, mái tóc cũng đã bạc thêm nhiều nhưng đôi chân vẫn còn rất nhanh nhẹn, giọng nói vẫn còn hào sảng.

Nói về ước nguyện của mình trong năm mới, ông Hiệp tâm sự: “Tôi chỉ mong sang năm mới, sức khỏe tôi được tốt hơn, tinh thần minh mẫn để có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa”.

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”, năm mới đã sang, cầu chúc ông chủ nhà trọ tốt bụng có một sức khỏe dồi dào để luôn là chỗ dựa cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Ngọc Ánh
Theo Đời sống Plus //