Nuốt 2 thanh sắt buộc chun, người đàn ông suýt chết vì hóc dị vật
Không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể gặp những ca hóc dị vật đường thở “dở khóc dở cười”, đến mức phải can thiệp nội soi và thậm chí là phẫu thuật.
Nguy kịch vì nuốt 2 que sắt
Trái với những trường hợp hóc dị vật do lơ đễnh hay sơ ý, nhiều bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu lấy dị vật do chủ ý.
Theo Bác sĩ Cao Hùng Phong - Trưởng đơn vị nội soi tiêu hóa của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, những trường hợp này thường nặng và mức độ xử lý cũng rất phức tạp do dị vật thường đã đi vào sâu trong cơ thể.
Cách đây không lâu, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu một ca hóc dị vật được được đưa đến bởi lực lượng công an. Bệnh nhân là một người nghiện ma túy đang trong thời gian ở trại cải tạo.
Hình ảnh 2 que sắt buộc chặt dây chun được bác sĩ chụp lại trong thực quản bệnh nhân
“Bệnh nhân đã chủ động nuốt 2 que sắt nhọn, giấu ở cuống họng để qua mặt lực lượng an ninh. Nhưng không may, que sắt đã đi sâu vào thực quản và mắc kẹt không thể lấy ra được.
Khi được đưa tới bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Ê-kíp trực phải xử lý khẩn cấp để lấy dị vật ra nhằm tránh tổn thương thêm những bộ phận khác”, BS Phong chia sẻ về một ca nội soi lấy dị vật đặc biệt đã thực hiện.
Bác sĩ cảnh báo khi hóc dị vật
Theo Bác sĩ Phong, trẻ em hay bị hóc dị vật là các vật dụng, đồ chơi hay thức ăn có hình tròn, bầu dục có kích thước nhỏ, dị vật thường gặp ở người lớn là hàm răng giả, xương gà, xương cá, vỉ thuốc có cạnh sắc nhọn, que sắt, cây đinh, tăm xỉa răng, cục gân bò to...
Khi bị hóc dị vật đường thực quản, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi thực quản dạ dày để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách. Tuyệt đối không được dùng tay móc họng, điều này càng làm cho dị vật chui sâu vào bên trong.
Bác sĩ Phong lắp cap vào đầu ống soi, chuẩn bị thực hiện nội soi cho bệnh nhân bị hóc dị vật đường thở
Theo các chuyên gia, nếu bị nạn khi chỉ có một mình bạn nên xử lý như sau:
- Để đẩy dị vật ra ngoài, bạn hãy tự đẩy ép bụng bằng cách đứng tựa lưng vào tường phẳng.
- Sau đó, dùng một bàn tay nắm chặt, tì sát phần ngón cái và ngón trỏ vào vùng bụng phía trên, ngay dưới xương ức (lòng bàn tay úp xuống).
- Lấy nắm tay còn lại đấm mạnh vào nắm tay trên bụng theo chiều từ trước ra sau và từ dưới lên từng cái một.
- Nếu dị vật chưa ra hãy dùng ghế dựa áp phần bụng phía trên rốn lên bờ trên của tấm tựa lưng. Sau đó dùng sức nặng của thân người gập xuống thành ghế tạo sức ép đẩy không khí từ trong ra, dị vật sẽ bị bắn ra.
Phương pháp sơ cứu khi bị hóc dị vật đường thở