Những việc cần làm ngay sau khi bị chó cắn để tránh nguy hiểm
Gần đây có nhiều vụ chó cắn gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên nhiều người không biết xử trí thế nào khi bị chó cắn.
Nhiều người không biết xử trí thế nào khi bị chó cắn để tránh gây hậu quả nghiêm trọng (ảnh minh họa)
Mới đây, vụ việc bé trai 7 tuổi bị đàn chó 10 con cắn tới tử vong đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Trước đó, việc chó tấn công người gây nên những hậu quả nghiêm trọng đã từng xảy ra rất nhiều lần.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện có rất nhiều người không biết xử trí thế nào khi bị chó cắn để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
Vệ sinh và kiểm tra tình trạng vết cắn
Để hạn chế đi những hậu quả nghiêm trọng từ vết chó cắn mọi người cần tách rời quần/áo với vết cắn nhằm hạn chế việc nước bọt của chó dính trên quần áo sẽ tiếp tục bám vào vết thương.
Sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương. Có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Sau khi đã rửa sạch vết thương, các bạn cần kiểm tra ngay xem tình trạng của vết cắn ở mức độ nào để có hướng xử lý phù hợp. Nếu vết thương chỉ bị trầy xước nhẹ bên ngoài da thì có thể tự băng bó tại nhà. Tuy nhiên, hãy lưu ý không băng bó quá chặt vì sẽ khiến máu khó lưu thông.
Trong trường hợp vết thương quá nặng, nạn nhân mất nhiều máu thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.
Theo dõi con chó
Một việc khác cũng rất quan trong sau khi bị chó cắn là theo dõi con chó. Theo Trí thức trẻ, hãy theo dõi ít nhất là 15 ngày, nếu thấy con chó phát bệnh thì bạn cần tới gặp bác sĩ ngay để có hướng xử lý kịp thời. Còn nếu con chó đó là chó lạ hoặc chó hoang và không thể theo dõi thì tốt nhất chúng ta hãy báo ngay với bác sĩ để có các biện pháp phòng tránh hậu quả.
Nếu bạn rơi vào một trong các trường hợp dưới đây, tốt nhất hãy liên hệ ngay với bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời và tiêm phòng:
- Con chó cắn bạn là chó đang phát bệnh, có các dấu hiệu như mắt đỏ ngầu, chảy nước dãi, sùi bọt mép, hoặc nhìn buồn bã...
- Con chó cắn bạn là chó hoang, chó lạ.
- Khu vực bạn bị chó cắn nằm gần hoặc trong vùng đang có dịch bệnh chó mèo.
- Bị cắn quá nhiều vết hay vết cắn quá nặng.
- Người bị cắn đang mắc các bệnh về gan, tiểu đường, ung thư, HIV thì hãy báo ngay với cơ sở y tế.
Khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút
Khuyến cáo của bác sĩ
Trả lời VnExpress, Bác sĩ Hoàng Văn Tân, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khuyến cáo, khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương.
Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm văcxin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại.
Đến nay, cả y học hiện đại cũng như y học cổ truyền đều khẳng định không chữa được bệnh dại khi đã lên cơn. Tử vong do bệnh dại hầu như không tránh khỏi. Biện pháp duy nhất để cứu giúp người bệnh là điều trị bằng văcxin và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị động vật mắc bệnh dại cắn.
“Không được chữa bệnh dại bằng thuốc nam, thuốc đông y, kể cả thuốc Tây để tránh những chết oan uổng do thiếu hiểu biết”, bác sĩ cho biết.
Bác sĩ khuyên, đối với những gia đình đang nuôi chó mèo, cần thực hiện tốt 3 việc sau đây:
- Tiêm văcxin phòng bệnh dại cho chó mèo đang nuôi.
- Chó mèo nuôi phải đăng ký, chó nuôi phải xích, ra ngoài phải có rọ mõm để không cắn người.
- Người bị chó mèo cắn phải rửa ngay vết thương và đi khám, tiêm văcxin phòng dại càng sớm càng tốt.