Những thiệt hại ban đầu sau khi bão số 4 Noru đổ bộ vào miền Trung
Ghi nhận một số người dân bị thương. nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối gãy đổ nằm la liệt và mất điện ở hàng ngàn trạm biến thế sau khi Bão số 4 Noru đổ bộ.
Nhà bị đổ sập hoàn toàn do bão số 4 NORU. Ảnh: TH Quốc Hội
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, vào lúc 4 giờ sáng nay (28/9), bão số 4 bắt đầu đi vào đất liền, nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Cường độ cấp 10-11 (103-117km/giờ), giật cấp 13.
Nhiều nơi đang có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 27/9 đến 3h ngày 28/9 có nơi trên 200mm như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 278mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 201.6mm, Hồ Thái Xuân (Quảng Nam) 310.6mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 230.8mm. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
Cũng trong sáng sớm nay (28/9), tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4. Báo cáo Phó Thủ tướng, một số tỉnh tại miền Trung đều cho biết, chưa có ghi nhận thiệt hại về người do bão số 4.
Theo báo cáo, những thiệt hại ban đầu của địa phương đã được ghi nhận khi hầu hết nhà dân của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đều xảy ra tình trạng tốc mái, cây cối gãy đổ nằm la liệt và hàng ngàn trạm biến thế đã xảy ra tình trạng mất điện.
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Trị, thiệt hại do lốc xoáy ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh hồi 15 giờ 30 ngày 27/9, khiến nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn); 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Đến 5 giờ 30 phút ngày 28/9, tại các xã vùng biển bãi ngang của tỉnh vẫn đang mất điện, gió giật từng cơn kéo dài mặc dù lượng mưa không lớn.
Trong 24 giờ qua, địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 100-120 mm, một số nơi cao hơn như Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh) 257mm, thị xã Quảng Trị 191mm, Tà Rụt (huyện Đakrông) 184mm. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh hầu hết đang ở mức dưới báo động 1.
Tại Đà Nẵng hiện đã có 2 nhà dân bị tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu và hiện chưa có thông tin mới về 60 người ở dưới thuyền nổ máy tại âu thuyền Thọ Quang.
Tại tỉnh Quảng Nam đã có 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục). Đã ghi nhận thiệt hại về tốc mái nhà, cây đổ… nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể.
Ở tỉnh Quảng Ngãi, mưa to, gió lớn vẫn đang diễn ra. Hiện đảo Lý Sơn gió giật cấp 12, Ba Tơ có gió cấp 11, TP Quảng Ngãi gió cấp 6, giật cấp 7. Thiệt hại một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại một số huyện.
Tại tỉnh Bình Định hiện có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5 nhưng đã có nhiều nhà dân tốc mái, cây đổ và có người bị thương. Tỉnh này cũng đã xảy ra tình trạng mất điện tại một số khu vực; ngoài ra chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Tỉnh tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to, gió giật cấp 7-9. Lúc 5 giờ 30 phút gió vùng ven biển vẫn còn giật, trời ít mưa. Khu vực trung tâm TP Huế khô ráo. Chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn. Một số khu vực được sa thải điện nhằm đảm bảo an toàn. Mực nước sông Hương đã vượt báo động 1 là 0,55 m, sông Bồ dưới báo động 1 là 0,14 m. Trong đêm 27-9, đường dây nóng của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận 3 cuộc gọi của 2 bệnh nhân nặng ở Phong Điền và một trường hợp ở TP Huế gọi đến cần trợ giúp chuyển viện. Lực lượng chức năng đã hỗ trợ các bệnh nhân.