Những dấu hỏi trong việc sử dụng vốn đầu tư công tại Tổng Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam
Hàng năm, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South) chi hàng tỷ đồng để sửa chữa, đóng mới và nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải… Tuy nhiên, nguồn vốn sử dụng đầu tư công tại đây đang khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.
Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South), tiền thân là Ty bảo đảm hàng hải, thành lập ngày 03/10/1975. Trải qua nhiều giai đoạn đổi thay, đến tháng 05/2011, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1099/QĐ-BGTVT, chính thức thành lập Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam với 18 đơn vị thành viên thuộc 3 khối: bảo đảm hàng hải, hoa tiêu hàng hải và trục vớt cứu hộ.
Hiện nay, Tổng công ty có 10 phòng, ban, trạm nghiệp vụ, 9 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 5 công ty TNHH MTV, 2 công ty CP vốn góp chi phối (trên 50% vốn điều lệ) và 2 công ty liên kết (công ty mẹ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ) đóng tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, TP. HCM, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng GĐ Tổng công ty VMS-South là ông Bùi Thế Hùng Bí thư Đảng Ủy.
Doanh nghiệp trẻ
Mấy năm gần đây VMS-South đã chi hàng tỷ đồng để sửa chữa, đóng mới và nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải… Tuy nhiên, nhiều thông tin cho rằng, việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công tại Tổng công ty VMS-South sử dụng không hiệu quả, thường về tay doanh nghiệp “quen mặt”.
Điển hình nhất là Công ty Cổ phần cơ khí hàng hải Miền Nam (địa chỉ tại Đường 30/4,Phường 11,Thành Phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), được thành lập ngày 2015 do ông Đinh Thái Công là người đại diện pháp luật với vốn điều lệ 12 tỷ đồng.
Mặc dù, doanh nghiệp còn non trẻ mới chuyển đổi Công ty CP và đăng ký mạng đấu thầu quốc gia từ năm 2015 nhưng những năm gần đây doanh nghiệp này luôn được Tổng Công ty VMS-South trúng hàng loạt dự án, gói thầu trị giá hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty này luôn trúng ở mức rất thấp, tiết kiệm Ngân sách không đáng kể khiến dư luận bức xúc, hồ ghi.
Cụ thể, tại Gói thầu số 1 “Sửa chữa tàu Cửu Long” thuộc công trình “Sửa chữa tài Cửu Long của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam”, với giá gói thầu 3.253.383.407 đồng và giá trúng thầu 3.215.801.013 đồng theo Quyết định (PDKQ) số 598/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 10/6/2020, do bà Nguyễn Thị Thu An – Phó Tổng GĐ Tổng công ty VMS-South ký.
Trước đó gần 15 ngày, tại Gói thầu số 1 “Đóng mới 15 phao ống Ø2,0m, 15 phao ống Ø2,4m, 10 phao thùng Ø2,6m và vận chuyển phao” thuộc công trình “Đóng mới 15 phao ống Ø2,0m, 15 phao ống Ø2,4m, 10 phao thùng Ø2,6m”, với giá gói thầu 11.601.479.518 đồng và giá trúng thầu 11.580.127.565 đồng.
Một gói thầu hơn 11,6 tỷ đồng chỉ tiết kiệm vỏn vẹn khoảng 21 triệu đồng theo Quyết định (PDKQ) số 549/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 27/5/2020, tiếp tục được bà Nguyễn Thị Thu An ký.
Năm 2019 doanh nghiệp “bội thu”
Sang năm 2019, doanh nghiệp hàng hải Miền Nam “bội thu” khi trúng hàng loạt dự án, gói thầu Tổng công ty VMS-South làm bên mời thầu. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư tại đây lại tiết kiệm nhỏ giọt, không đáng kể.
Cụ thể, trong tháng 9/2019 doanh nghiệp này đã trúng 2 gói thầu. Một là tại Gói thầu số 1 “Sửa chữa tàu VS-61” thuộc dự án “Sửa chữa tàu VS-61 của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam”, với giá trúng thầu 1.608.798.029 đồng (giá gói thầu 1.608.799.174 đồng), gói thầu hơn 1,6 tỷ chỉ tiết kiệm tượng trưng khoảng 1,145 đồng (Quyết định (PDKQ) số 2840/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 27/9/2019).
Hai là tại Gói thầu: Sửa chữa tàu MJ-511 thuộc dự án “Sửa chữa tàu MJ-511 của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam”, với giá gói thầu 1.213.247.425 đồng và giá trúng thầu 1.212.811.892 đồng, gói thầu hơn 1,2 tỷ đồng chỉ tiết kiệm nhỏ giọt khoảng 1 triệu đồng (Quyết định (PDKQ) số 2764/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 24/9/2019).
Ngày 22/8/2019, tại Gói thấu số 1: “Sửa chữa tàu VT-062” thuộc dự án “Sửa chữa tàu VT-062 của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam”, với giá gói thầu 1.351.318.152 đồng và giá trúng thầu 1.348.755.410 đồng.
Một gói thầu gần 1,4 tỷ đồng chỉ tiết kiệm vỏn vẹn khoảng 3 triệu đồng theo Quyết định (PDKQ) số 2376/QĐ-TCTBĐATHHMN do ông Bùi Thế Hùng – Tổng GĐ Tổng công ty VMS-South ký.
1 tháng trước đó, tại Gói thầu số 1: “Sửa chữa tàu Hải Đăng 05”, với giá gói thầu 1.345.973.010 đồng và giá trúng thầu 1.339.637.162 đồng. Một gói thầu gần 1,4 tỷ đồng chỉ tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng theo Quyết định (PDKQ) số 2081/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 23/7/2019, tiếp tục được bà An ký.
Trước đó 7 ngày, tại Gói thầu số 1: “Đóng mới 20 bộ phao thùng Ø2,0m, 10 bộ phao thùng Ø2,6m phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2019” thuộc dự án “Dự toán đóng mới 20 bộ phao thùng Ø2,0m, 10 bộ phao thùng Ø2,6m phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2019”, với giá gói thầu 8.638.539.360 đồng và giá trúng thầu 8.627.524.956 đồng.
Một gói thầu gần 8,7 tỷ đồng chỉ tiết kiệm nhỏ giọt khoảng 11 triệu đồng theo Quyết định (PDKQ) số 1995/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 16/7/2019.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 22/5/2019, doanh nghiệp này trúng Gói thầu số 5: “Mua sắm 01 tàu thay thả phao báo hiệu hàng hải” thuộc dự án “Phê duyệt dự án đầu tư phương tiện thay thả phao báo hiệu hàng hải của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam”, với giá trúng thầu 14.550.000.000 đồng (giá gói thầu 14.690.000.000 đồng) theo Quyết định (PDKQ) số 1295/QĐ-TCTBĐATHHMN, bà An ký.
2 tháng trước đó, tại Gói thầu “Đóng mới 15 bộ phao ống Ø2,0m, 15 bộ phao ống Ø2,4m phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2019”, với giá gói thầu 8.029.479.083 đồng và giá trúng thầu 7.998.167.310 đồng. Một gói thầu hơn 8 tỷ đồng chỉ tiết kiệm vỏn vẹn khoảng 31 triệu đồng theo Quyết định (PDKQ) số 627/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 22/3/2019.
Tại Gói thầu số 1: “Sửa chữa tàu VS-735” thuộc dự án “Sửa chữa tàu VS-735 của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam”, với giá gói thầu 1.348.601.782 đồng và giá trúng thầu 1.341.942.773 đồng. Một gói thầu gần 1,4 tỷ đồng chỉ tiết kiệm khoảng 7 triệu đồng theo Quyết định (PDKQ) số 381/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 15/2/2019.
Đấu thầu là hoạt động tìm ra nhà thầu đủ năng lực, trong đó cạnh tranh về giá cũng là một tiêu chí để xem xét, đánh giá lựa chọn nhà thầu. Luật đấu thầu quy định rõ, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu.
Còn nữa…..
Trước đó, theo kết luận nội dung số 13802/KL-BGTVT tố cáo về “gia đình trị” tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South) được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký ban hành, từ năm 2005 đến nay có 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với tổng giám đốc đang làm việc tại tổng công ty này. Cụ thể, trong số 8 người có quan hệ gia đình (chị ruột, cháu ruột, cậu ruột, em họ) với tổng giám đốc thì 5 người giữ các chức vụ: phó tổng giám đốc, chánh văn phòng tổng công ty, giám đốc công ty, trưởng phòng kế hoạch công ty, phó phòng kế toán công ty. Trong số 7 người có quan hệ họ hàng (cháu rể, anh rể, cháu dâu, cháu vợ) với tổng giám đốc thì 6 người giữ các chức vụ: phó phòng kế toán tổng công ty, phó phòng kinh tế kế hoạch tổng công ty, giám đốc công ty, trưởng phòng kế hoạch vật tư công ty, chánh văn phòng Đảng ủy, trưởng phòng hành chính công ty. Theo Bộ GTVT, nguyên nhân để xảy ra thiếu sót là do nhận thức pháp luật về công tác bổ nhiệm cán bộ ở từng thời kỳ còn chưa đầy đủ. Trách nhiệm thuộc về hội đồng thành viên, tổng giám đốc (đa số trong giai đoạn tổng giám đốc tiền nhiệm), tổ chức, cá nhân tham mưu về công tác tổ chức cán bộ Đặc biệt, VMS-South từng bị Bộ GTVT yêu cầu thu hồi quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc. Cụ thể: Ngày 20/6/2014, Bộ GTVT có công văn yêu cầu VMS-South thu hồi quyết định của Hội đồng thành viên VMS-South về việc bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh (Trưởng phòng An toàn hàng hải) làm Phó Tổng giám đốc VMS-South. Lý do là VMS-South thực hiện bổ nhiệm vượt số lượng Phó Tổng Giám đốc, không được Bộ GTVT đồng ý. Đáng nói, ông Phạm Tuấn Anh là con trai ông Phạm Đình Vận - nguyên Tổng Giám đốc VMS-South. Ngày 19/2/2014 ông Tuấn Anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc thì ngay sau đó ông Phạm Đình Vận nhận quyết định nghỉ hưu; ngày 1/3/2014, ông Phạm Quốc Súy (em trai của ông Vận) được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc VMS-South, trước đó ông Súy là Phó Tổng Giám đốc. |