Những dấu hiệu ho để lại biến chứng nguy hiểm, cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua
Cha mẹ không nên lơ là với những dấu hiệu ho này của trẻ để tránh những biến chứng nguy hiểm, và biết cách xử trí kịp thời.
Ho là triệu chứng thường gặp không chỉ ở trẻ nhỏ mà cả người lớn. Trẻ nhỏ có thể mắc những đợt ho do cảm cúm, cảm lạnh, dị ứng 4-6 lần trong năm. Những trẻ có sức đề kháng yếu có thể mắc 8-12 lần, thậm chí nhiều hơn. Nhiều bà mẹ có kinh nghiệm chăm con cũng như các bác sĩ chuyên khoa có thể thấy triệu chứng ho rất phổ biến ở trẻ và có thể không cần điều trị đặc hiệu.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyên các bậc phụ huynh nên theo dõi triệu chứng ho của trẻ sát sao, đề phòng bệnh có thể biến chứng nặng gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Những dấu hiệu ho cho thấy trẻ bị bệnh viêm phổi
Khi quan sát biểu hiện ho của trẻ, nếu trẻ gặp các triệu chứng sau, rất có thể trẻ đã bị viêm phổi.
- Cơn ho của trẻ khởi phát ở mức độ vừa, nhưng càng về sau càng ho nặng.
- Trẻ thở nhanh, thở gấp. Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu đếm nhịp thở của bé trên 60 lần trong 1 phút thì được coi là bé đang thở nhanh. Đối với những trẻ lớn hơn, khoảng từ 2 tháng đến 1 tuổi, thở nhanh được quy định là 50 lần/phút.
- Những trẻ em từ một tuổi trở lên, khi đếm nhịp thở của trẻ từ 40 lần trở lên thì được coi là trẻ đang thở nhanh. Do đó, cha mẹ cần quan sát và đếm nhịp thở của bé khi con đang nằm yên, không hoạt động gắng sức.
-Trẻ phải gắng sức mới thở được, khi thở, trẻ bị rút hõm ngực, và co thắt lồng ngực. Thông thường, khi trẻ hít vào, phần dưới lồng ngực thông thường sẽ phình ra.
- Tuy nhiên, ở những trẻ bị viêm phổi, phần dưới lồng ngực không phình ra mà lại lõm vào. Thở nhanh và gắng sức là những biểu hiện để cơ thể có được oxy, duy trì cho các hoạt động sống. Tuy nhiên, sức chịu đựng của cơ thể cũng có giới hạn nhất định. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, thậm chí ngưng thở.
Thời tiết thay đổi, cha mẹ cần phải chú ý các biểu hiện của trẻ
Sau lầm khi dùng thuốc cho con rất nhiều mẹ mắc phải
Dùng thuốc liều mạnh
Ho là phản xạ cần thiết của cơ thể để tống xuất đàm nhớt, mầm bệnh và các dị vật. Mục đích sử dụng thuốc ho nhằm giảm bớt các triệu chứng khó chịu, diệt mầm bệnh, chứ không thể chữa khỏi ho ngay tức thì. Muốn con mau khỏi bệnh, nhiều cha mẹ vội vàng dùng thuốc ho loại mạnh và liều cao, không tương thích với cơ thể con trẻ. Bé có thể gặp các triệu chứng sốc thuốc, các tác dụng phụ nguy hiểm sau khi sử dụng.
Các chuyên gia khuyên, cha mẹ nên kiên trì điều trị đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc mạnh, đắt tiền hay thay đổi thuốc điều trị liên tục. Thuốc ho kiểm soát tốt các triệu chứng thường an toàn hơn thuốc ức chế ho loại mạnh.
Ngưng thuốc giữa chừng
Lo lắng cho con, nhiều cha mẹ đưa bé thăm khám bác sĩ ngay khi có biểu hiện ho sốt nhẹ. Thông thường, bác sĩ kê toa cho bé sử dụng 1-2 tuần để điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, sau 2-3 ngày, các triệu chứng thuyên giảm nhiều, không ít phụ huynh lại xao lãng hoặc thậm chí cho con ngừng thuốc.
Ngưng thuốc giữa chừng khó điều trị dứt điểm cơn ho. Đặc biệt là những toa thuốc có kháng sinh, nếu điều trị không đúng phác đồ dễ gây ra tình trạng kháng thuốc. Những lần bệnh sau, loại kháng sinh này thường không còn tác dụng do vi khuẩn kháng thuốc.
Lạm dụng kháng sinh
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh hô hấp, trong đó 70-80% là do virus. Kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn, còn các bệnh do virus thì không có tác dụng.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và y bác sĩ lạm dụng kháng sinh để điều trị nhóm bệnh hô hấp. Điều này cũng dẫn tới tình trạng kháng thuốc ở trẻ. Ngoài ra, dùng kháng sinh bừa bãi còn khiến bé tăng nguy cơ dị ứng, gặp các bệnh mãn tính như hen phế quản, béo phì, viêm khớp...
Dùng toa thuốc cũ
Dùng lại toa thuốc cũ là một thói quen xấu khi mẹ trị ho và nhiều bệnh khác cho bé. Sau lần đầu điều trị có hiệu quả, mẹ có xu hướng sử dụng đơn thuốc cũ nếu bé có các triệu chứng tái phát tương tự, nhằm tiết kiệm thời gian thăm khám. Tuy nhiên, triệu chứng ho có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý, nguyên nhân và mức độ trầm trọng khác nhau. Ngoài ra, khi bé lớn hơn, loại thuốc và liều lượng cũng thay đổi. Toa thuốc cũ không còn phù hợp, thậm chí gây nguy hiểm cho bé nếu điều trị sai bệnh.
Cha mẹ tuyệt đối không được lạm dụng thuốc cho trẻ
Dùng thuốc không phù hợp độ tuổi
Mỗi loại thuốc ho có giới hạn độ tuổi sử dụng nhất định, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn. Có loại thuốc chỉ dùng cho trẻ trên 6 tuổi hoặc 12 tuổi, có loại không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Nếu trong nhà có 2 bé ở độ tuổi khác nhau, mẹ tuyệt đối không nên lấy thuốc ho của bé lớn cho bé nhỏ uống và ngược lại. Nếu dùng sai đối tượng, bé có thể gặp nhiều tác dụng phụ, sốc thuốc, chậm phát triển thể lực, thậm chí tử vong.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, trung tâm hô hấp ở não bộ rất nhạy cảm. Nếu sử dụng thuốc ức chế ho mạnh có thể gây ức chế trung tâm này, khiến bé ngưng thở. Để an toàn, cha mẹ nên xem kỹ hướng dẫn sử dụng và ưu tiên lựa chọn thuốc có độ an toàn cao có nguồn gốc dược liệu từ húng chanh (tần dày lá), núc nác…
Ủ ấm bé quá kỹ
Khi bé bị bệnh, mẹ nên tránh để bé tiếp xúc trực tiếp với gió lùa. Tuy nhiên, không nên cho bé mặc 3-4 lớp áo và đặt bé nằm trong phòng kín. Nếu trẻ ho kèm sốt, mẹ nên giúp bé mặc đồ thoáng mát để nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh, mở cửa sổ thông thoáng để trao đổi không khí. Không ít trẻ ho sau 1-2 ngày mới bị sốt, song, mẹ không phát hiện thấy triệu chứng sốt hay dấu hiệu khó thở nếu ủ ấm bé quá kỹ.
Kiêng thực phẩm
Theo dân gian, trẻ bị ho cần phải kiêng nhiều thực phẩm như tôm, cua, tôm, thịt gà, rau cải... Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, chưa có chứng cứ khoa học chứng minh các thực phẩm này khiến trẻ ho nặng hơn. Trẻ ho thường biếng ăn nên việc kiêng các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong thời gian này càng sai lầm. Cơ thể thiếu chất có thể khiến bé mất sức đề kháng và ốm nặng hơn.
Trẻ ho không cần kiêng ăn. Tuy nhiên, trẻ ho do hen suyễn cần tránh các thức ăn bị dị ứng như trứng, tôm, cua, cá, sữa bò... Nếu không dị ứng thì không cần kiêng.