Nhỏ nước muối sinh lý có khỏi ù, hết viêm nhiễm sau khi tắm, bơi lội?
Đi bơi, tắm gội hàng ngày thường bị nước vào tai, nếu nhỏ vài giọt nước muối sinh lý thì có giúp hết ù tai, viêm nhiễm hay không?
Bơi lội, tắm gội rất dễ bị nước vào tai, sinh bệnh
Chị Lê Thị Thanh (Quảng Ninh) chia sẻ, ngày nào chị cũng tắm gội cho đứa con 8 tháng tuổi. Có lần có lẽ nước chảy vào tai nên bé cứ ngọ nguậy và giụi đầu bên tai bị nước vào người mẹ. Chị lấy nước muối sinh lý nhỏ vào và lấy tăm ngoáy tai cho bé.
Chị Nguyễn Thu Hà (Đà Nẵng) cũng dùng nước muối sinh lý để nhỏ tai sau khi đi bơi, nhưng 2 ngày sau vẫn có cảm giác nước ở trong tai vì thấy ù, thấy ngứa, dù chị đã làm mọi cách trên mạng xã hội hướng dẫn. Cuối cùng không chịu được chị phải đi khám, bác sĩ bảo đã bị viêm ống tai, phải điều trị bằng kháng sinh.
Nhiều người khi đi bơi, tắm gội rất dễ bị nước vào tai, gây ù tai, ngứa trong tai, dẫn tới nghe kém và đau tai – nhất là với trẻ nhỏ. Nếu không điều trị kịp thời những cảm giác đó có thể lan tới xương hàm, hoặc cổ họng, thính lực bị suy giảm, hoặc chỉ nghe thấy những âm thanh méo mó. Nước ở trong tai lâu hơn còn dẫn tới bị nhiễm trùng tai, ráy tai và bụi bẩn.
Trẻ em hiếu động, mỗi khi đi bơi về hay có nước vào tai. Ảnh minh họa.
Một số cách đẩy nước ra khỏi tai sau khi bơi, tắm gội
Các bác sĩ khuyên, khi bị nước vào tai, không nên đưa ngón tay, tăm bông, hay cây ngoáy tai vào trong ống tai, làm như vậy dễ gây tổn hại lớp niêm mạc, còn làm nước có thể đang thoát ra ngoài bị đẩy lại sâu trong ống tai, tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
Xưa trẻ đi bơi về bị nước vào tai các cụ thường dạy nghiêng đầu sang một bên tai có nước và nhảy lò cò một chân trong khi đầu vẫn nghiêng.
Theo hướng dẫn của BS Liên Hương (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), có nhiều cách để làm nước ra khỏi tai:
- Nghiêng đầu sang một bên sau đó mở và đóng hàm như khi đang ngáp – làm vài phút, nước sẽ chảy ra từ ống tai.
- Hoặc nghiêng đầu về phía có nước, kéo hoặc giật dái tai để nước chảy ra dễ dàng. Hoặc lắc đầu sang 2 bên để văng nước ra bên ngoài.
- Hoặc nghiêng đầu bên có nước, rồi úp lòng bàn tay chặt vào tai, rồi thả nhanh tay ra và úp ngay lại – là cách tạo môi trường chân không để hút nước ra ngoài.
- Hoặc nằm nghiêng, áp tai có nước xuống gối khoảng 30 phút để nước đọng trong tai chảy ra.
- Hoặc dùng khăn tẩm nước nóng áp ngoài tai bị nước và nghiêng đầu khoảng 30 giây, lặp lại 4-5 lần, mỗi lần cách nhau 1 phút, giúp nước chảy ra.
- Nếu cảm thấy nước vẫn còn trong ống tai, dùng một miếng bông khô đặt ở cửa tai để hút nước từ ống tai ra, nhớ là không được lau hay ngoáy tai.
- Nếu có máy sấy thì mở chế độ thấp nhất và cách tai 25cm sấy qua lại để luồng khí ấm thổi trực tiếp vào lỗ tai giúp nước bay hơi.
- Hoặc pha dung dịch dấm trắng và rượu tỷ lệ 1:1, nhỏ 3-4 giọt vào lỗ tai, rồi xoa phần ngoài tai khoảng 30 giây thì nghiêng đầu sang phía tai bị nước để dung dịch thừa thoát ra ngoài. Dấm sẽ làm tan ráy tai, ngừa vi khuẩn phát triển. Rượu sẽ làm bay hơi nước và hạn chế thâm nhập của vi khuẩn vào tai.
Không dùng tăm bông, ngón tay hay bất cứ vật gì đưa vào tai vì sẽ đưa thêm vi khuẩn, hoặc đẩy nước vào sâu trong tai thêm. Ảnh minh họa.
Nếu tai vẫn khó chịu thì không được dùng tăm bông, ngón tay hay bất cứ vật gì đưa vào tai để kéo nước chảy ra. Vì như thế sẽ đưa thêm vi khuẩn vào trong tai, hay đẩy nước đi sâu vào tai hơn, và có thể làm tổn thương thêm ống tai, thậm chí thủng màng nhĩ. Tốt nhất lúc này cần sớm đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám, để được chữa trị.
Có nên nhỏ nước muối sinh lý vào tai hay không
Theo PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào (bộ môn Tai mũi họng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nước muối sinh lý Natri clorid 0,9%, (1 lít nước với 9g muối tinh khiết), có thể nhỏ được vào tai, làm sạch, làm trôi vi khuẩn trên bề mặt.
Nhỏ giọt nước muối sinh lý xong nhớ ấn nắp tai giữ 5 phút để không bị ù tai. Ảnh minh họa.
Cần lưu ý là nước muối khi nhỏ có thể đọng lên bề mặt màng nhĩ, hoặc lớp lông ở ngay cửa tai gây ù tai. Vì vậy khi nhỏ giọt nước muối sinh lý vào ngoài ống tai nên ấn nắp bình tai giữ khoảng 5 phút, giúp nước muối phân tán vào lớp da và mỡ dưới da để không gây ù tai.
Tuyệt đối không dùng tăm bông hoặc những vật dụng khác để ngoáy tai tránh gây chấn thương, hoặc xâm nhiễm của vi khuẩn vào các cấu trúc của ống tai mà gây chấn thương hoặc viêm.
Nước vào tai là tai nạn nhỏ dễ gặp khi bơi lội, tắm gội hàng ngày và thường sẽ tự chảy ra mà không cần điều trị gì. Nhưng khi nước không ra, hay xuất hiện đau tai, ngứa hoặc sưng lên tức là đã có vi khuẩn gây bệnh, bị viêm ống tai. Lúc này dùng nước muối sinh lý sẽ ít hỗ trợ diệt được khuẩn, mà hãy đến bác sĩ khám và điều trị sớm để loại bỏ tình trạng nhiễm trùng và giảm đau, kẻo sẽ dẫn đến mất thính lực và tổn thương tai nhiều hơn.
Ai dễ bị viêm tai: Những người bị eczema ở quanh tai có thể sẽ có nguy cơ bị viêm tai cao hơn. Trẻ em dưới 3 tuổi cũng là đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là nếu trẻ có tiền sử bị viêm tai. Phòng tránh để nước không vào tai: - Nút ống tai ngoài khi bơi lội, hoặc tắm gội. Có thể dùng mũ bơi hoặc dụng cụ bịt tai khi bơi để tai được bảo vệ, tránh không để nước vào tai. - Trẻ nhỏ khi tắm để đầu hơi ngửa, đổ nước dần vào từng bên đầu khi gội để tránh nước vào ống tai. Vệ sinh lỗ tai thường xuyên, lấy ráy tai để giúp tai luôn sạch sẽ. |