Nhiều nơi cho học sinh dừng học trực tiếp vì ca Covid-19 tăng vọt
Số ca Covid-19 liên tục tăng kể từ sau Tết đã khiến nhiều địa phương phải chuyển hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến.
Tại Đắk Lắk, sáng 20/2, UBND TP.Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, liên tiếp những ngày gần đây số ca nhiễm tăng cao, đặc biệt trong ngày 19/2, địa phương ghi nhận có 378 ca mắc Covid-19. Khi triển khai hoạt động dạy học trực tiếp từ ngày 7/2-19/2, toàn TP có 43 giáo viên (trong đó: mầm non 15, tiểu học 20 và THCS 8 giáo viên) và 425 học sinh (trong đó: mầm non 40, tiểu học 261, THCS 124 em) dương tính với SARS-CoV-2.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và tiếp tục hoạt động dạy học trực tiếp, UBND TP.Buôn Ma Thuột chỉ đạo tạm dừng dạy học trực tiếp đối với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 trên địa bàn thành phố từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới; giao Phòng GDĐT triển khai phương án dạy học trực tuyến đối với bậc học tiểu học và lớp 6.
Tại Quảng Ninh, theo thông báo mới nhất của Sở GDĐT về việc tổ chức dạy học cho học sinh, trẻ mầm non trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết rét đậm, rét hại, các trường cấp mầm non tạm thời cho trẻ em nghỉ học từ ngày 21/2 đến hết ngày 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.
Trẻ mầm non ở Quảng Ninh đến trường hôm 14/2. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Đối với cấp tiểu học: Các trường căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ ngày 21/2 đến hết ngày 25/2.
Đối với cấp THCS và THPT: Tiếp tục duy trì tổ chức học trực tiếp tại trường (Trung tâm GDNN-GDTX) cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức học trực tiếp cần tăng cường và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm kiểm soát hiệu quả và đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Đối với các lớp học khi xuất hiện ca F0, cần phối hợp với ngành y tế đánh giá đúng nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh để kịp thời xem xét tạm thời chuyển sang học trực tuyến cho học sinh.
Sở GDĐT Quảng Ninh lưu ý, tuyệt đối không tổ chức các hoạt động ngoài trời hoặc cho học sinh ra chơi ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp với cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét.
Tại Vĩnh Phúc, số lượng F0 có xu hướng tăng nhanh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, cùng với đó dự báo về không khí lạnh tăng cường trong những ngày tới gây rét đậm, rét hại và mưa ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh các cấp học khi đến trường, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành Y tế, GDĐT rà soát, đánh giá mức độ lây lan dịch bệnh trong trường học để quyết định hình thức tổ chức dạy học, đảm bảo an toàn cho học sinh và phù hợp nguyện vọng của phụ huynh.
Cụ thể, học sinh các trường tiểu học, THCS chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.
Các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX duy trì dạy học trực tiếp, đồng thời tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và đảm bảo các điều kiện học tập hiệu quả.
Tại Lào Cai, tỉnh này đã cho tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp, triển khai hình thức dạy học trực tuyến đối với tất cả các cấp học trên địa bàn TP.Lào Cai kể từ ngày 19/2 cho đến khi có thông báo mới (gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp).
Riêng Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, căn cứ vào tình hình thực tiễn và các quy định của Đại học Thái Nguyên, cũng như của tỉnh Lào Cai về phòng, chống dịch Covid-19 để linh hoạt áp dụng các hình thức dạy học phù hợp.
Tại Hà Nội, ngày 18/2, UBND TP.Hà Nội đồng ý theo đề xuất của Sở GDĐT về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận, thay vì kế hoạch là ngày 21/2, cho đến khi có thông báo mới.
Lý do được đưa ra là do trong thời gian gần đây tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hương tăng, cùng với đó theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên khu vực Hà Nội sẽ có những ngày sẽ rét đậm, rét hại dẫn đến việc cha mẹ học sinh còn băn khoăn lo lắng khi cho con đến trường, tỷ lệ đồng thuận của cha mẹ học sinh chưa cao trong việc cho con em trở lại trường học trực tiếp.
Tại Hải Phòng, hiện nay thành phố này vẫn duy trì song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, số học sinh đến trường học trực tiếp chưa cao. Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, do lo ngại dịch bệnh, tỉ lệ học sinh đến trường ở mức 30% (tính đến ngày 17/2).
Sở GDĐT tỉnh cũng có văn bản đề nghị các quận, huyện phối hợp chỉ đạo phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục… cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học nếu nhiệt độ dưới 10 độ, học sinh trung học cơ sở được nghỉ khi nhiệt độ dưới 7 độ C.
Tại Bạc Liêu, theo báo cáo của Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh, tính từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, tỉnh này có 86 giáo viên, học sinh mắc Covid-19, trong đó có 19 giáo viên và 67 học sinh.