Nguyên tắc sống “sạch từng centimet” của nữ nhà báo ung thư vú từng phải chuẩn bị hậu sự

08-11-2017 18:45:20

Gia đình tưởng chừng phải chuẩn bị hậu sự khi nữ nhà báo Cẩm Bào bị ung thư vú di căn xương chậu. Thế nhưng, bằng tình yêu vô bờ bến của chồng con và nguyên tắc sống sạch sẽ, điều kỳ diệu đã đến với chị.


Nụ cười lạc quan của Nữ nhà báo Cẩm Bào (ngoài cùng bên phải) bị ung thư vú đã truyền cảm hứng sống cho các bệnh nhân ung thư khác.

“Anh sẽ không bỏ rơi, dù em bị cắt một bên ngực…”

Lần đầu tiên nghe tin dữ vợ mình là chị Trần Thị Cẩm Bào mắc ung thư vú, anh Phạm Trung Tâm đang công tác xa tại Đà Nẵng đã vội vàng quay về Hà Nội. Bởi với vốn kiến thức còn sơ sài, anh nghĩ “thế là cầm chắc cái chết".

Thế nhưng, với cái đầu tỉnh táo của một người làm báo, chị Bào trấn tĩnh lại. Chị quan niệm “Một cơ thể muốn khỏe mạnh thì cần phải cắt bỏ những khối ung nhọt đang hủy hoại cơ thể, cho dù đó là việc làm vô cùng đau đớn”. 

Vì thế, đầu tháng 1/2013, chị Bào nhập viện, phẫu thuật cắt toàn bộ ngực trái, truyền 6 đợt hoá chất và 25 mũi xạ trị. Mỗi đợt hoá chất cách nhau 21 ngày. Hóa chất hành hạ chị đến mức "lở mồm long móng", nôn mửa, tiêu chảy triền miên. Người bạn đời vốn được coi là “công tử”, chưa bao giờ phải động tay vào việc nhà đã trở thành người quán xuyến tất cả. Anh chẳng nề hà bất cứ việc gì, từ nấu ăn, tắm táp, vệ sinh cho vợ ở viện và chăm con gái 5 tuổi ở nhà.

Anh Tâm vừa làm cha, vừa thay chị làm mẹ. Nhiều lần tới thăm nhà, PV Đời sống Plus không khỏi khâm phục trước sự chăm sóc tận tụy của anh dành cho vợ. Tự tay anh làm tất cả các công việc mà người ta vốn quan niệm là “chỉ dành cho phụ nữ” như rửa bát, quét dọn nhà cửa, đưa đón con đi học. Với chị Cẩm Bào, sự chăm sóc tận tụy của chồng con là một trong những lý do quan trọng khiến chị không cho phép mình được bỏ cuộc, kể cả trong một phút yếu lòng nhất.

Sau nửa năm nằm viện, chị về nhà với cái đầu trọc lóc và một bên ngực bị khuyết. Ung thư cướp không chỉ cướp đi sức khỏe mà còn cướp đi cả biểu tượng nữ tính nhất của người phụ nữ. Nhưng anh một mực động viên “Có bệnh thì phải đối mặt với nó. Anh sẽ không bỏ rơi em, cho dù em có phải cắt một bên ngực hoặc như một số bệnh nhân phải cưa đi một cánh tay. Không vì thế mà anh thay đổi tình yêu dành cho em. Anh sẽ luôn ở bên cạnh em, cùng em chiến đấu. Em cứ yên tâm trị bệnh”.

Bí kíp thoát khỏi lưỡi hái tử thần của nữ bệnh nhân ung thư vú di căn

5 năm nay, chị Cẩm Bào áp dụng bí quyết “4T” để chiến thắng ung thư. Đó là Tinh thần – Thể thao – Thực phẩm – Thuốc. Trong đó, tinh thần lạc quan, hợp tác điều trị theo đúng phác đồ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thể thao giúp cơ thể thêm dẻo dai, tăng cường sức chống chọi bệnh tật. Thực phẩm sạch, cách chế biến món ăn đa dạng giúp người bệnh không bị suy kiệt về mặt dinh dưỡng. Sau cùng mới là thuốc. Riêng việc sử dụng thảo dược hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ, chị chỉ tin vào những sản phẩm có nghiên cứu khoa học và được thực tiễn khẳng định.


Để đảm bảo dinh dưỡng, chị Bào chế biến bữa ăn đa dạng theo kiểu “bảy sắc cầu vồng” chứ không kiêng khem

Tới thăm nhà chị, không ai nghĩ đây là nhà của một bệnh nhân ung thư vú lâu năm. Bởi tất cả hiện lên là một không gian thoáng đãng, ngăn nắp và gần như không hề có bụi bẩn. Chị Bào thức dậy từ lúc 5h sáng để tập thể dục và dọn dẹp nhà cửa. Anh Tâm, chồng chị đã hóm hỉnh nói với chúng tôi có lẽ chính sự khó tính đó của chị đã khiến chị thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Căn bệnh ung thư vú khiến chị quan tâm hơn bao giờ hết tới không gian sống. Vì thế, cho dù ốm đau hay bận rộn đến mấy, chị luôn dành 30 phút dọn dẹp, lau từng ngõ ngách nhà cửa, đồ đạc vào buổi sáng. Chị coi dọn nhà là vận động, “tập thể dục”.

Nhờ sự tư vấn từ bác sĩ và kinh nghiệm của bạn bè, chị Bào dần thay đổi lối sống của mình. Đó là tối giản mọi đồ đạc, sử dụng đồ dễ làm vệ sinh và không bao giờ tích trữ đồ cũ.

Ở cửa ra vào, chị đặt giá giày dép bằng inox thay vì dùng tủ giày. Theo chị, tủ giày bằng gỗ, đóng kín tuy đẹp mắt, nhưng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc trú ngụ.


Những bữa cơm đơn giản của gia đình nhà báo Cẩm Bào

Tại phòng khách, thay vì dùng sofa, gia đình chị dùng bàn ghế gỗ. Lý do bàn ghế gỗ luôn có gầm thông thoáng và dễ lau chùi từng ngõ ngách.

Tại phòng ngủ, chị dùng đệm chứ không dùng giường, vì giường chiếm diện tích lớn cố định. Còn đệm có thể di động, lật lên lau chùi hàng ngày. Chăn ga gối được giặt giũ hàng tuần.

Gian bếp nhà chị Bào không hề có mùi thức ăn, vết dầu mỡ bắn lên tường hay tại mặt bếp đun. Tủ lạnh chị chỉ dùng để bảo quản hoa quả, rau xanh, một chút đồ ăn tươi chế biến cho bữa kế tiếp và cứ 3 ngay lại được lau một lần. Tuyệt nhiên không có đồ thừa.

Một điểm khác biệt so với nhiều gia đình là nhà chị không sử dụng thùng rác. Vì theo chị, đã là thùng rác để trong nhà thì cho dù không có nắp đậy hay có nắp đậy vẫn sẽ gây ô nhiễm. Hơn nữa, thùng rác “tạo điều kiện” cho ta lười biếng đổ rác hơn. Chị chỉ dùng túi, chế biến thực phẩm xong là gom rác lại và đổ đi luôn.

Chị quan niệm, cần vệ sinh nhà cửa hàng ngày chứ không tích trữ đồ đạc theo tâm lý “đến khi có việc cần thì mang ra dùng” như thế sẽ không tạo “ổ ô nhiễm” trong nhà”.

Cách ứng xử của chị với tất cả các đồ đạc trong gia đình mình đều xuất phát từ sự nghiên cứu, tìm hiểu của một người biết bệnh và biết cách sống chung với bệnh một cách thông thái. 

Minh Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //