Nguy cơ hoại tử từ bệnh lý viêm sụn vành tai

02-11-2020 11:07:24

Vùng tai bên trái bị sưng nề, đau nhức và mưng mủ, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm sụn vành tai biến chứng áp-xe. Nếu không điều trị sớm nó có thể gây viêm hoại tử sụn và biến dạng vành tai.

Bệnh nhi được chẩn đoán viêm sụn vành tai, có nguy cơ hoại tử. Ảnh: Zing

Ngày 2/11, theo nguồn tin trên VTV News, vừa qua các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhi (9 tuổi ở xã Húc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị viêm sụn vành tai, có nguy cơ hoại tử.

Được biết, hoàn cảnh gia đình của cháu bé rất khó khăn, xa trung tâm y tế. Do mưa lũ kéo dài, cháu bé không có điều kiện được thăm khám và điều trị kịp thời dẫn đến vùng tai bên trái bị sưng nề, đau nhức và mưng mủ tạo ổ áp-xe.

Sau khi tới tận nơi thăm khám cho cháu bé, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định đây là tình trạng bệnh lý viêm sụn vành tai biến chứng áp-xe. Nếu không điều trị sớm nó có thể gây viêm hoại tử sụn và biến dạng vành tai. 

Ngay sau đó, ê kip bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phẫu thuật, trích rạch dẫn lưu ổ áp-xe cho bệnh nhân. Hiện tại, sau phẫu thuậtm sức khỏe của bé ổn định, tiến triển tốt.

Viêm sụn vành tai là tình trạng viêm, nhiễm trùng thứ phát sau chấn thương va đập, tụ máu vành tai. Nguyên nhân có thể là chấn thương va đập gây tổn thương lớp màng sụn ở vành tai làm cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng sụn vành tai. Từ đó, nạn nhân bị xuất tiết dịch. Dịch lúc đầu có thể là dịch vô khuẩn nhưng tiếp sau đó là dịch nhiễm trùng thứ phát do bội nhiễm.

Dịch thường nằm khu trú ở giữa lớp màng sụn và sụn, làm cảm trở nuôi dưỡng cơ quan này. Nếu không được điều trị tốt, bệnh có thể dẫn đến viêm hoại tử vành tai. Vi khuẩn gây viêm sụn vành tai thường gặp là Pseudomonas aeurunosa và Saureus.

Người dân cần chủ động phòng ngừa các dịch bệnh có thể lây truyền trong và sau lũ

Trao đổi với Zing, bác sĩ Vũ Quốc Đạt - khoa Bệnh Nhiệt Đới và Chăm sóc Giảm hại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, chúng ta cần đặc biệt quan tâm và có sự chuẩn bị đối phó các yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh truyền nhiễm sau lũ.

Theo bác sĩ Đạt, cơ sở y tế bị phá hủy hoặc quá tải vì lũ, người dân không được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời. Tình trạng lũ lụt có thể gây suy dinh dưỡng và lây truyền bệnh truyền nhiễm khác do dân cư vùng lũ cạn kiệt thương thực.

Chính vì vậy, người dân cần chủ động phòng ngừa các dịch bệnh có thể lây truyền trong và sau lũ như tả, tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm gan A và E, sởi, viêm màng não, sốt rét, sốt xuất huyết...

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //