Người tung tin nhà nước phát gạo giả cho dân bị phạt 7,5 triệu
Một thanh niên tung tin trên Facebook nhà nước hỗ trợ gạo giả cho người dân trong đợt dịch Covid-19 đã bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng.
Người tung tin nhà nước phát gạo giả cho dân bị phạt 7,5 triệu. Ảnh: Tri thức trực tuyến.
Ngày 2/6, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh đã ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với T.C. (33 tuổi, nghề nghiệp bán hàng; ngụ tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) về hành vi "Cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức).
Trước đó, C. sử dụng tài khoản Facebook đăng tải nội dung: "Gạo được nhà nước phát vào dịp hỗ trợ Covid-19 mỗi gia đình được 10 kg gạo, mẹ đã ăn hết 5 kg, tôi nghi là gạo giả mới đem rang, mới phát hiện là gạo giả, đốt cháy".
Sau đó, C. được cơ quan chức năng mời lên làm việc. C. thừa nhận việc cung cấp thông tin gạo giả là sai sự thật.
Căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với T.C.
Trước đó hồi đầu tháng 2/2020, Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ đã phối hợp với Cơ quan an ninh mời làm việc đối với T.T.T.T. (bác sĩ) vì đăng thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona.
Chiều 31/1, trên trang Facebook cá nhân, nữ bác sĩ này đăng tải thông tin “Cần Thơ đã có bệnh nhận Corona mọi người tăng cường bảo vệ sức khỏe nhé. Ăn uống bổ sung vitamin và khoáng chất nhé”.
Nội dung này gây hoang mang lo lắng trong dư luận. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Cần Thơ tiến hành xác minh.
Nữ bác sĩ này làm việc tại cơ sở thẩm mỹ viện và được mời lên làm việc đã thừa nhận đã đăng thông tin không đúng sự thật. Theo nữ bác sĩ này, do đọc thông tin về dịch Covid-19 trên mạng, sau đó hiểu nhầm nên đã đăng không đúng về virus Corona trên địa bàn thành phố.
Sau khi được cơ quan chức năng phân tích, giáo dục, nữ bác sĩ này đã gỡ bỏ thông tin không đúng sự thật và có bài viết đính chính lại nội dung đã đăng tải.