Người đàn ông nguy kịch vì uống rượu nhiều ngày liên tiếp
Kể từ Tết dương lịch đến nay, bệnh nhân ngày nào cũng uống rượu, ăn rất ít hoặc không ăn gì. Thời điểm được đưa đến bệnh viện, bệnh nhân mê man, gọi không biết gì, kèm theo hiện tượng thở khò khè.
Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVBM
Ngày 11/1, thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân (nam, sinh năm 1981, sống ở Hà Nội) hôn mê, nguy kịch tính mạng do uống rượu nhiều ngày liên tiếp.
Cụ thể, khai thác bệnh sử được biết, kể từ Tết dương lịch, bệnh nhân ngày nào cũng uống rượu. Bệnh nhân thường bỏ bữa cơm để uống rượu và lúc uống cũng ăn rất ít. Khoảng sáng ngày 10/1, người vợ phát hiện thấy bệnh nhân mê man, gọi không biết gì, kèm theo hiện tượng thở khò khè nên đã ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong khu vực để cấp cứu.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định tình trạng bệnh nhân nặng nên đã chuyển tiếp lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị hôn mê sâu; đường huyết hạ rất nặng về mức 0,6 mmol/lít (chỉ số này ở người bình thường là trên 4 mmol/l); tụt huyết áp, suy hô hấp, đồng tử giãn và nhiễm toan chuyển hóa rất nặng.
Đáng chú ý, nồng độ rượu trong máu của bệnh nhân đo được ở mức rất cao: 260 mg/dl. Trao đổi với Dân trí, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, chính tình trạng hạ đường huyết sau khi uống rượu đã khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Người bệnh được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, lọc máu, hồi sức tim mạch… Tuy nhiên, vì bệnh nhân được phát hiện và đưa đi cấp cứu ở thời điểm quá muộn, nên tiên lượng rất khó khăn. Trong trường hợp may mắn được cứu sống, thì chắc chắn vẫn để lại các di chứng, ví dụ như hôn mê, do não đã bị tổn thương.
Theo BS Nguyên, từ dịp Tết dương lịch đến nay, Trung tâm chống độc ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp ngộ độc rượu. Cũng theo chuyên gia này, việc thời tiết rét đậm cũng có thể góp thêm vào nguyên nhân khiến ngộ độc rượu gia tăng. Trường hợp bị hôn mê do hạ đường huyết khi uống rượu như bệnh nhân kể trên cũng không hề hiếm gặp.
Ethanol trong rượu có tác động trực tiếp gây hạ đường huyết. Khi đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não. Càng chậm được xử lý, tổn thương não sẽ càng rộng. Tình trạng nhẹ thì bệnh nhân bị co giật, lờ đờ, nặng sẽ hôn mê và thậm chí là tử vong.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, những người gầy yếu, suy kiệt và người trẻ, phổ biến nhất là từ 30 tuổi trở về trước, là những đối tượng dễ bị hạ đường huyết do rượu và tình trạng cũng trầm trọng hơn.