Người đàn bà cô đơn và đôi chân kỳ diệu có thể làm được mọi việc

22-10-2018 06:53:05

Không có đôi tay lành lặn, 70 năm qua, bà Quế phải dùng chân để làm tất cả những công việc hàng ngày trong gia đình. Khó khăn, tật nguyền nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn vươn lên trong cuộc sống.

Bị liệt 2 tay từ nhỏ nên bà Hồ Thị Quế phải làm mọi việc bằng đôi chân

Tuổi thơ cay đắng của người đàn bà tật nguyền

Về thôn Đồng Hy, xã Ninh Hoà (huyện Ninh Giang, Hải Dương) hỏi thăm về nhà “cô khoèo” Hồ Thị Quế thì không một ai là không biết. Ở vùng quê nghèo của huyện Ninh Giang, bà Quế được biết đến là người rất đặc biệt khi mọi sinh hoạt trong gia đình đều được bà làm bằng chân thay vì bằng tay như người khác.

Mặc dù vậy, đằng sau khả năng đặc biệt của “cô khoèo” lại là câu chuyện cảm động về cuộc đời nhiều trắc trở của người đàn bà nghèo khổ.

Chiều muộn một ngày giữa tháng 10, sau khi vượt qua nhiều đoạn đường ngoằn ngoèo, tôi mới tìm được ngôi nhà nhỏ nơi bà Quế đang sinh sống. Khi tôi đến nơi, bà Quế đang ngồi trên chiếc ghế gỗ gần sát với cánh cổng.

Chân dung người đàn bà với đôi chân kỳ diệu Hồ Thị Quế

Thấy có người đến thăm, bà Quế hỏi thăm một vài câu xã giao rồi nhanh tay dùng đôi chân gỡ từng nút quấn dây vải bên ngoài chiếc cổng để khách có thể đi vào bên  trong.

Bà Quế là một người phụ nữ có nhiều điểm khác biệt so với mọi người. Dáng bà nhỏ thó, nước da sạm đen, mái tóc cắt ngắn lấm tấm hoa râm, đôi môi luôn nở nụ cười rất tươi và đặc biệt 2 tay của bà còng về phía sau do bị dị tật từ nhỏ.

Cái tổ ấm  bà Quế rộng chừng 10m2, trước cửa có khoảng sân nhỏ và một khoảng đất nhỏ trồng la liệt một vài cây rau, cây ăn quả. Mép bên phải ngôi nhà là bếp bà nhà vệ sinh nằm sát bên một chiếc ao nhỏ.

Căn nhà được bà Quế hóm hỉnh miêu tả là nơi mà một năm chỉ có vài lượt người tìm đến chơi và hễ có trời mưa là nước ngập lênh láng khắp sân. “Đây cũng chẳng phải nhà do tôi tự làm, người ta thương tình thì phụ giúp cho tôi có nơi nương tựa nên thế là tốt lắm rồi”, bà Quế chia sẻ.

Bà Quế đang dùng chân thao tác mở cổng để cho khách vào nhà

Bà Quế là con út trong một gia đình có đến 5 anh chị em. Trong khi những người khác trong gia đình đều có một cơ thể lành lặn thì bà Quế không may bị bại liệt từ nhỏ.

Căn bệnh khiến đôi tay bà không thể hoạt động được. Trên cơ thể bà Quế, đôi tay ấy áp sát vào thân người. Mặc dù vẫn còn cảm giác nhưng đôi tay ấy không thể hoạt động theo ý muốn của chủ nhân.

“Tôi thấy người thân kể lại, đợt mới sinh, biết tôi không được lành lặn, người thân đã toan bỏ tôi đi nhưng may sao mẹ tôi van nài họ mới đồng ý giữ lại”, bà Quế kể.

Tuổi thơ của người đàn bà bất hạnh cũng trải qua biết bao sự dè bỉu của người làng. Tuổi thơ ấy đầy những ánh mắt kỳ thị, câu nói cay độc chỉ vì bà sinh ra không có một đôi tay lành lặn.

Dường như để thực hiện những công việc hàng ngày, đôi chân bà Quế đã có biến đổi so với người khác

Bà Quế chia sẻ: “Thủa nhỏ bị bạn bè trêu trọc cũng chỉ biết khóc, biết buồn. Tuy nhiên khi lớn lên, biết suy nghĩ, những lời nói kỳ thị của mọi người khiến bản thân tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

Đã có không dưới 1 lần tôi có ý định tìm đến cái chết chỉ để không phải nghe những lời ác độc đó nữa. Tuy nhiên nghĩ lại, tôi thấy mình cần phải sống, sống để cho mọi người biết rằng tôi có thể làm được mọi thứ mặc dù không có đôi tay lành lặn”.

Nghĩ được, làm được, kể từ đó, bà Quế bắt đầu tập làm mọi việc bằng chính đôi chân còn lành lặn của mình. Nhiều khi thấy con vật lộn tìm cách sinh hoạt bằng chân, cụ thân sinh ra bà muốn giúp đỡ nhưng bà Quế gạt đi, tự mình làm mọi việc.

Đôi chân kỳ diệu

“Bố mẹ, người thân chỉ sống với mình được một thời gian thôi. Không phải ai cũng đi theo để giúp đỡ mình cả đời được. Chính vì thế nên mặc dù rất biết ơn những người ngỏ ý muốn giúp mình nhưng tôi đều phải lắc đầu từ chối ý tốt của họ”, bà Quế chia sẻ.

Vài năm sau, các cụ thân sinh ra bà Quế qua đời. Các anh chị cũng lần lượt lập gia đình. Không muốn làm phiền người thân, bà Quế xin người anh trai mảnh đất nhỏ làm nhà và sinh sống ở đấy từ đó đến nay.

“Trước khi chưa được xây cho căn nhà tình nghĩa này, tôi còn ở trong túp lều rách. Ngày bình thường nằng xuyên vào tận giường còn ngày mưa nước dột lênh láng khắp giường.

Đôi tay bà Quế bị khoèo từ khi còn bé

Dẫu vậy nhưng có được căn nhà để tự mình chăm nom, trồng trọt nó vẫn vui hơn chú ạ. Hơn nữa là không làm phiền đến cuộc sống của người thân. Đâu phải ai cũng thấu hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mình đâu”, bà Quế nói.

Nhờ những luyện tập từ khi còn trẻ, đến bây giờ, bà Quế có thể tự mình làm được mọi công việc trong nhà từ nấu cơm, quét dọn, trồng rau…và dĩ nhiên những việc này đều được bà thực hiện một cách thuần thục băng chân.

Bà Quế kể, để có thể làm được mọi việc như thế cần phải có sự trợ giúp của chiếc ghế. Cứ như thế, mặc dù tốn thời gian hơn làm bằng tay nhưng mọi việc đều được đôi chân của bà “giải quyết” ổn thoả.

Bà Quế dùng đôi chân thao tác cắt một tàu chuối

Thấy tôi có vẻ còn hoài nghi những điều mình vừa chia sẻ, bà Quế đi vào nhà lấy chân cầm theo một con dao rồi thì chân trái giữ, chân phải bà quặp dao thực hiện thao tác thái một cây bèo.

Tuy không được nhanh như người khác dùng tay thái nhưng những nhát dao từ chân bà điều khiển vẫn rất “ngọt”. “Thái rau là thế, còn nếu muốn quét sân thì tôi kẹp một bó nhỏ cành cọ vào chân rồi cứ thế vừa đi vừa quét”, bà Quế kể.

Vừa nhìn bà dùng chân đưa bó cành cọ nhỏ dưới chân, tôi mới hiểu được phần nào vì sao bàn chân trái của bà Quế lại có sự biến dạng khác thường như thế. Có lẽ vì phải làm mọi việc bằng bàn chân phải nên những ngón chân trên bàn chân trái của bà phải xoè ra, con con như con tôm và dài bất thường để giúp bà có thể trụ vững bằng 1 chân những lúc thế này.

Việc ăn uống của bà Quế cũng được thực hiện bằng chân

Việc cắt rau, nhặt rau cũng được bà Quế làm tương tự như vậy. Bà ngồi ghế, chân trái gạt rau, chân phải khéo léo lùa lưỡi dao vào gốc và cắt. Những gốc rau vừa được cắt và dùng 2 chân nhẹ nhàng gắp vào chiếc rổ gần đó.

“Làm nhiều bây giờ thành quen chú ạ. Như chú mới nhìn thấy lần đầu có vẻ còn lo lắng nhưng tôi làm quen rồi thì thấy bình thường. Người ta có tay thì dùng tay, tôi không có tay thì tôi dùng chân chú ạ”, bà Quế nói.

Thấy tôi tò mò hơn về việc ăn uống được thực hiện như nào bằng đôi chân, bà Quế cùng bảo tôi đi ra ao nước cạnh nhà. Vừa đi bà vừa nói. Theo bà Quế, việc ăn uống của bà cũng đều được thực hiện bằng đôi chân hết.

Chiếc "chổi" được thiết kế đặc biệt để bà Quế có thể dùng chân để quét dọn

“Tuy vậy, lúc ăn cơm phải rửa chân thật sạch sẽ. Tôi thường rửa chân dưới ao. Nhìn chú sẽ nghĩ là bẩn nhưng nước ao mùa này trong lắm”, bà Quế vừa cười vừa chia sẻ.

Sau khi đã rửa chân sạch sẽ, bà Quế dùng chân trái cố định chiếc rá đựng bánh đa, chân phải dùng muôi múc từng muôi đổ vào chiếc bát bên cạnh. Công việc sau đó, bà Quế ngồi xuống dưới đất, bát bánh đa để trên ghế được bà dùng chân thao tác ăn một cách nhẹ nhàng.

Những lời cuối cùng trong câu chuyện vào buổi tối hôm đó, bà Quế cho biết: “Mặc dù từng mặc cảm với việc cơ thể mình có khiếm khuyết nhưng đến thời điểm này, tôi cảm thấy rất vui khi có thể tự làm được mọi thứ.

Cuộc đời chẳng ai dồn mình vào bước đường cùng cả. Nếu có, chỉ là mình luôn có suy nghĩ đó để có lý do mà từ bỏ thôi”.


Xem thêm: Bé sơ sinh rơi ở chung cư Linh Đàm tử vong, nhân chứng kể lại

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //