Nghìn người chia sẻ cách cứu người đột quỵ trong 1 giây, BS cảnh báo dừng ngay kẻo 'tàn phế, mất mạng'
Nhiều người mù quáng học theo các cách cấp cứu đột quỵ trên mạng, không có cơ sở khoa học khiến người bệnh mất đi “thời điểm vàng” để cứu chữa căn bệnh này.
Các chuyên gia y tế cảnh báo về tình trạng cấp cứu người đột quỵ theo các chia sẻ trên mạng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Hình minh họa.
Tràn lan cách cấp cứu người đột quỵ trên internet
Từ lâu, đột quỵ não đã là mối lo lắng và quan tâm của nhiều người. Trong thời đại bùng nổ thông tin, không khó khăn để người đọc có thể tiếp cận với các phương pháp cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống, có rất nhiều thông tin sai lệch, được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Từ đó dẫn đến những xử lý sai lầm, làm bệnh nhân lỡ đi “thời gian vàng “ cứu chữa bệnh.
Lướt qua một loạt các trang mạng xã hội, phổ biến như facebook, người đọc có thể tìm được nhiều bài đăng và chia sẻ, với nội dung giống nhau, hướng dẫn cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ bằng cách chích máu các đầu ngón tay và... không được di chuyển.
Một cách cấp cứu bệnh nhân đột quỵ được chia sẻ trên mạng.
Nói về cách sơ cứu đang được lan truyền chóng mặt này, BS Phạm Văn Cường – Trung tâm Đột quỵ não Bệnh viện TWQĐ 108 khẳng định, đây đều là những cách sơ cứu không có cơ sở khoa học, tính có lợi chưa được xác thực, thậm chí chỉ gây hại thêm cho bệnh nhân...
Cũng theo BS Cường, trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, đặc biệt với bệnh nhân nhồi máu não, yếu tố thời gian đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong 3 đến 6 giờ đầu kể từ khi khởi phát, nếu bệnh nhân nhồi máu não được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa, mạch máu não có thể được tái thông, từ đó có thể cải thiện, thậm chí phục hồi hoàn toàn các triệu chứng. Vì vậy, khoảng thời gian này còn được gọi là “thời gian vàng “của đột quỵ.
Mặc dù việc cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ vô cùng gấp gáp về thời gian nhưng theo BS Cường người nhà không nên quá hoảng hốt mà phải giữ bình tĩnh, tìm cách nhanh nhất để đưa người bệnh đến bệnh viện chứ không phải cầu cứu "bác sĩ" trên mạng mà làm mất cơ hội điều trị cho người bệnh, dẫn đến tàn phế thậm chí tử vong. Bác sĩ Cường khuyến cáo, người nhà hãy tỉnh táo và biết chắt lọc thông tin đặc biệt là các thông tin về y tế, sức khỏe, cách khám chữa bệnh. Đừng để bản thân và người nhà mình đánh mất “thời gian vàng” quý giá để chữa bệnh và phục hồi di chứng.
Cách cấp cứu đúng cho bệnh nhân đột quỵ
Dưới đây là khuyến cáo của bác sĩ Trung tâm Đột quy não - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất.
- Nếu bệnh nhân bất tỉnh: cần đỡ tránh cho bệnh nhân khỏi bị ngã.
- Phải lập tức đưa người bệnh tới bệnh viện vì nếu não bị thiếu máu, thiếu oxy lâu thì não sẽ bị hoại tử đi rất nhanh chóng. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được. Do đó phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh chóng càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa bị chết (vùng não tranh tối, tranh sáng).
Những điều không được làm khi bệnh nhân bị đột quy:
- Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
- Không được cho bệnh nhân ăn, uống, đề phòng nôn gây trào ngược bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở gây nguy hiểm.
- Không được tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ - Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay. - Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt. - Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được. - Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được. - Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ. - Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu. |