Nghịch lý tại khu tái định cư Tân Lập: Nước sạch để rửa chuồng lợn
Đất không đủ để sản xuất, nước sinh hoạt đắt đỏ nhưng không đảm bảo vệ sinh là những nỗi khổ của người dân khu tái định cư Tân Lập (Na Hang, Tuyên Quang).
Thiếu đất sinh hoạt
Năm 2002, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, trong vòng 4 năm (từ 2002 đến 2006), tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức di chuyển 4.139 hộ dân với 20.138 nhân khẩu thuộc 88 thôn ở 11 xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đến 125 điểm tái định cư mới.
Đây được xem là cuộc di chuyển dân lớn nhất được giải quyết trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc ổn định, chăm lo cho đời sống người dân tại các khu tái định cư dường như vẫn chưa được tỉnh Tuyên Quang quan tâm.
Cụ thể bằng việc, thời gian gần đây, tòa soạn Đời sống Plus nhận được phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại khu tái định cư Tân Lập (thị trấn Na Hang) về những bức xúc liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho cuộc sống của dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang.
Một trong những vấn đề khiến người dân bức xúc nhất chính là thiếu đất để ở và canh tác. Trao đổi với PV, một người dân (yêu cầu giấu tên) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sinh sống tại xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.
Thời điểm đó, gia đình tôi có 2 nhà ở nhưng khi được di dân, chính quyền chỉ đền bù 1 nhà còn 1 nhà coi như mất trắng. Cũng vào thời điểm đó, đất đai canh tác nhiều, dân không phải lo đến chuyện thiếu đất sinh hoạt và canh tác nhưng khi đồng tình với kế hoạch di dân, chúng tôi không có đất để sinh hoạt cũng như sản xuất”.
Cụ thể, người dân này cho hay, theo quy định về việc di dân tái định cư, mỗi hộ dân được di chuyển đến vùng đất mới, chính quyền phải cấp ít nhất 400m2 đất để sinh hoạt và sản xuất nhưng trường hợp người dân này chỉ được cấp 200m2 đất.
“Thử hỏi với 3 người con trai cộng với vợ chồng tôi nữa thì 200m2 đất làm sao đủ để sinh hoạt và canh tác. Đời sống của chúng tôi rất khổ sở”, người dân này thông tin.
Tương tự là trường hợp của bà Nguyễn Thị Bình (65 tuổi, khu tái định cư Tân Lập). Bà Bình cho biết, trước đây khi chưa có quyết định di dân, diện tích đất của gia đình bà dùng để sinh hoạt và sản xuất khá thoải mái.
Tuy nhiên, kể từ khi được chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn khi không đủ đất sinh hoạt cũng như sản xuất. Bên cạnh đó, bà Bình còn thông tin, bản thân gia đình bà còn rất bức xúc với kiểu hỗ trợ manh mún từ phía chính quyền.
“Gia đình tôi được chính quyền quyết định hỗ trợ 100 triệu đồng để di cư đến nơi ở mới. Tuy nhiên, số tiền này không được đưa tròn cục mà được rải theo kiểu manh mún. Cứ mỗi tháng họ lại trả vài triệu, vừa khiến chúng tôi rất mất thời gian và không có kinh tế để sản xuất”, bà Bình chia sẻ.
Cũng theo thông tin bà Bình cung cấp, bức xúc trước những việc làm không đúng như lời hứa trước khi di dân, bà Bình cùng nhiều hộ dân đã viết nhiều giấy khiếu kiện gửi các cơ quan chức năng nhưng những đơn thư này đều có đi mà không được trả lời.
Nước “sạch” mua về để rửa chuồng lợn
Bên cạnh việc thiếu đất sinh hoạt, canh tác, một vấn đề nữa khiến người dân rất bức xúc chính là vấn đề nguồn nước cung cấp cho người dân.
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân, 16 năm qua, họ đều phải mua thứ nước bẩn chưa qua xử lý để sinh hoạt cũng như phục vụ chăn nuôi.
“Nước họ lấy trực tiếp từ suối đầu nguồn ở bản Bung (xã Thanh Tương, Na Hang) rồi theo đường ống chảy vào bể chứa trên đồi và cung cấp thẳng cho người dân mà không hề qua một khâu xử lý nào.
Những lúc có mưa to, nước đầu nguồn đục ngầu là y như rằng nước sinh hoạt của chúng tôi cũng đục như vậy. Vì thiếu nước nên chúng tôi đành phải để lắng cặn xuống sau đó mới dùng được”, bà Bình bức xúc chia sẻ.
Theo lời một hộ dân khác (xin được giấu tên) con suối ở đầu nguồn ở bản Bung rất ô nhiễm, mất vệ sinh. Những cặn bẩn, lá cây từ trên đầu nguồn theo đường ống nước chảy xuống sau đó người dân tại khu tái định cư Tân Lập lại phải sử dụng để ăn uống, sinh hoạt.
Nước sinh hoạt mất vệ sinh là thế nhưng số tiền bỏ ra để có nước dùng lại không phải là nhỏ. Theo đó, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Tuyên Quang đến từng hộ gia đình để ký hợp đồng sử dụng nước mới mức giá 4.285 đồng/m3 nước.
“Vì tưởng rằng được dùng nước sạch để sinh hoạt nhưng hóa ra chúng tôi đều bị họ lừa cả. Những gia đình có điều kiện thì phải khoan giếng để có nước sinh hoạt. Còn những người không có thì phải ngậm cay đắng mua nước bẩn về để dùng”, một người dân chia sẻ.
Trao đổi với PV về vấn đề nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm ông Nguyễn Quảng Ba, Trưởng thôn tái định cư Tân Lập cho biết. “Không chỉ có những hộ dân tái định cư mà ngay cả chúng tôi là những người dân sinh sống ở đây lâu năm cũng phải dùng nước chưa qua xử lý đó”.
Theo ông Ba cung cấp, do biết nguồn nước Công ty cấp thoát nước Tuyên Quang bán cho người dân là nước suối chưa qua bất cứ khâu xử lý nào nên gia đình ông phải đi lấy nước khe về để sinh hoạt còn nước “sạch” mua của công ty thì chỉ dùng đề rửa chuồng lợn và phục vụ chăn nuôi.
Nghịch lý nước “sạch” chỉ được dùng để rửa chuồng lợn và chăn nuôi tồn tại đã 16 năm ở Tân Lập. Người dân khốn khổ phải đi gõ cửa cơ quan chức năng để chờ giải quyết nhưng đều vô vọng.
“Tôi xem truyền hình, đọc báo thấy cứ bảo chính quyền chăm lo cho người dân tái định cư và cuộc sống của người dân đã ổn định và khấm khá hơn nhưng có đến đây thì mới biết dân khổ như nào”, một người dân chua chát tâm sự.
Trao đổi với PV những khúc mắc của người dân về vấn đề nước sinh hoạt, ông Lê Hoài Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang cho biết vấn đề nước của người dân tại khu tái định cư Tân Lập do Công ty cấp thoát nước Tuyên Quang quản lý còn thị trấn không nắm được.
Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.